Xem xét ý kiến của trẻ em khi xây dựng chính sách pháp luật

GD&TĐ - Nếu cơ quan nhà nước định xem xét ý kiến trẻ em cần phải nghiên cứu việc thực hiện lấy ý kiến sẽ như thế nào, ở đâu, trong cả nước hay từng vùng…

Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội
Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – đoàn Khánh Hoà góp ý khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Trẻ em.

Xây dựng pháp luật phải có tính khả thi

Dự thảo luật có nêu: "Khi xây dựng chính sách pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em, của các cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương".

Theo Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, việc xem xét ý kiến của trẻ em khi xây dựng chính sách pháp luật tác động đến trẻ em là một mong muốn tốt. Tuy nhiên, mong muốn này khó trở thành hiện thực vì một số các lý do sau:

Khi quan sát ở các nước phát triển như: Nhật, Mỹ, Pháp, họ có những quy định tôn trọng trẻ em như những cá thể độc lập, cố gắng nuôi dạy trẻ em thành công dân tốt, bảo vệ quyền lợi trẻ em.

Mục đích này được thực hiện qua việc phát triển xây dựng hệ thống giáo dục nhà trường, quy định trách nhiệm bố mẹ trong việc trông nom con cái, trông coi khi bố mẹ ly hôn, tránh tổn thương về tinh thần cho trẻ em.

Nhưng các cơ quan có thẩm quyền ít khi nghĩ lấy ý kiến trẻ em khi họ xây dựng chính sách, mặc dù các em được khuyến khích thể hiện ý kiến của mình như việc thực hành quyền tự do ngôn luận.

Chính sách pháp luật tác động đến trẻ em là sự giao thoa giữa 2 thể chế là pháp luật và thiết chế xã hội như các cơ quan thực thi pháp luật, tòa án, cảnh sát, tổ chức xã hội, các cơ sở nghiên cứu chuyên về trẻ em và gia đình, những vấn đề này được cân nhắc rất cẩn trọng và phức tạp…

Quay lại thực tiễn tại Việt Nam, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, về văn hóa Việt Nam là nước có truyền thống nho giáo, phật giáo và một số tôn giáo khác, phần lớn trẻ em được dạy ngoan ngoãn và nghe lời người lớn, đặc biệt trong gia đình và nhà trường.

Vì thế trẻ em khó và không có ý kiến khách quan về vấn đề liên quan tới chính bản thân các em. Các em phần lớn quan tâm những vấn đề của gia đình, nhà trường và ít có điều kiện quan tâm những khía cạnh rộng lớn ở ngoài xã hội. Ví dụ trẻ em ở thành phố khác với trẻ em ở miền núi hoặc dân tộc.

“Thực tế trẻ em là phạm trù rất chung nhưng lại đa dạng, hiện giờ thống kê chính thức về số lượng trẻ em trên toàn quốc cũng như phân bố trẻ em ở các địa bàn cư trú khác nhau là việc làm khó, nếu cơ quan nhà nước định xem xét ý kiến trẻ em cần phải nghiên cứu việc thực hiện lấy ý kiến sẽ như thế nào, ở đâu, trong cả nước hay từng vùng, các cơ quan nghiên cứu hay Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các thày cô hay đoàn thể.

Trẻ em phần lớn chừng nào thì được hỏi lấy ý kiến, ở độ tuổi bao nhiêu, 5 tuổi 10 tuổi hay 17 tuổi. Nếu không trả lời thích đáng vấn đề những việc nêu trên thì cần phải cân nhắc đưa quy định vào dự thảo luật này. Vì yêu cầu công tác xây dựng pháp luật phải có tính khả thi “ - Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu quan điểm.

Ảnh minh họa/internet
 Ảnh minh họa/internet

Băn khoăn việc thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

Cũng theo Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, dự thảo luật có nêu: “Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập thuộc thẩm quyền quản lý và cấp đăng ký hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khác, có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh.

Chủ trì phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hướng dẫn thực hiện việc phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Xây dựng quy trình tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc lĩnh vực quản lý và kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Theo Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, với những lập luận như đã nêu ở trên cho thấy, ý tưởng bảo vệ trẻ em là rất tốt nhưng thực hiện như thế nào là vấn đề khác, cần cân nhắc rất kỹ.

Quy định này đưa ra ý tưởng về cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập, nghĩa là thành lập một thiết chế mới, chúng ta cần một bộ máy mới mà trong điều kiện hiện nay chúng ta đang đặt vấn đề phải tinh giản bộ máy và hạn chế thành lập các bộ máy mới.

Trong khi Bộ Lao động có thẩm quyền xây dựng quy trình tiêu chuẩn về thiết chế này, liệu quy định này có khả thi không khi giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong khi Bộ này đang có rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc bảo vệ lao động của trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Liệu chỉ giới hạn ở việc không bị bóc lột sức lao động hay cả các lĩnh vực khác để trẻ em phát triển một cách bình thường lành mạnh về thể chất, về tâm sinh lý.

“Do đó, nếu những nội dung trên được giải đáp một cách thỏa đáng thì chúng ta mới có quy định như nêu tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 77 và nếu giải đáp không thỏa đáng, theo ý kiến chúng tôi không nên đưa nội dung này vào dự thảo luật” - Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ