Được phát động từ tháng 6/2017-3/2018 trên quy mô toàn quốc, giải đã thu hút được hơn 100 tác giả và nhóm tác giả, với hơn 250 tác phẩm, thuộc 4 loại hình báo chí: Báo in, điện tử, phát thanh và truyền hình. 51 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo.
Bên cạnh những gương điển hình, những hành động đẹp giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn, lắng nghe trẻ em nói, còn có những tác phẩm đi vào mặt trái xã hội, phản ánh trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, tảo hôn hay bóc lột sức lao động...
Ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức (BTC) giải thưởng, cho biết, không chỉ dày công tiếp cận hiện trường, thu thập thông tin để phản ánh chân thực cuộc sống của trẻ em, nhiều tác phẩm đã đi sâu phân tích và đưa ra giải pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn nữa trong tình hình hiện nay.
Tại lễ trao giải, 36 tác phẩm được BTC trao thưởng. Bao gồm: 4 giải Nhất (10 triệu/giải), 8 giải Nhì (5 triệu/giải), 8 giải Ba (3 triệu/giải), 16 giải Khuyến khích (2 triệu/giải). Tổng giá trị giải thưởng là 136 triệu đồng.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - nêu rõ: Sau gần một năm phát động, giải thưởng đã thành công tốt đẹp. Giải có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể xã hội cũng như của các nhà báo, nhằm bảo vệ quyền trẻ em.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có nhiều tác phẩm báo chí hay hơn nữa viết về đề tài trẻ em nói riêng và những vấn đề an sinh xã hội khác nói chung của đất nước.