Bộ GD&ĐT cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phương án, lộ trình; xem xét có định biên nhân sự về y tế, giáo viên (GV) giảng dạy tiếng Anh và Tin học... cho các trường tiểu học và chính sách sắp xếp GV dôi dư khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT trả lời như sau: Ngày 20/7/2018, Bộ GD&ĐT có Công văn số 3043/BGDĐT-NGCBQLGD gửi UBND các tỉnh/thành phố đôn đốc thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, đề nghị các địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục phải gắn với bảo đảm quy định về định mức số lượng GV mỗi cấp học, chế độ làm việc, chính sách cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), GV, nhân viên và phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại hệ thống, quy mô trường, lớp học của địa phương.
Không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hàng năm để thực hiện tinh giản biên chế mà cần làm tốt đánh giá phẩm chất, năng lực CBQL, GV, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc của CBQL, GV, nhân viên hàng năm để sàng lọc, phân loại làm căn cứ tinh giản biên chế. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét thực hiện tự chủ ở những trường có điều kiện thuận lợi, nhằm giảm số lượng người làm việc được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, giúp địa phương thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế mà không ảnh hưởng đến việc giảm số lượng người làm việc, nhất là trong bối cảnh thiếu GV do quy mô học sinh tăng, đặc biệt là nơi tăng trưởng nóng về dân số.
Bộ GD&ĐT cũng ban hành quy định về định mức đối với các vị trí nhân viên kế toán, y tế, thủ quỹ, văn thư theo từng cấp học và quy mô lớp/trường; quy định định mức GV tiểu học/lớp, trong định mức này đã bao gồm cả GV dạy các môn tiểu học và GV dạy môn Ngoại ngữ, Tin học (Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT).
Để chuẩn bị đội ngũ GV cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT có Công văn số 5093/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 13/10/2016 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị rà soát việc tuyển dụng, bố trí và sử dụng viên chức ngành Giáo dục ở tất cả cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí và sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ GV, nhân viên. Đồng thời, có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí GV cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều địa phương đã có phương án tuyển dụng, bố trí GV một cách linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện tốt các quy định về tuyển dụng cũng như chưa làm tốt công tác dự báo, quy hoạch nên để xảy ra tình trạng thừa, thiếu GV. Để giải quyết số GV dôi dư (nếu có), Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện giải pháp như: Sắp xếp, điều tiết GV từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa bàn; lựa chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng để điều chuyển dạy mầm non, cấp học phù hợp; bố trí làm nhân viên trường học; tinh giản biên chế đối với những GV dôi dư (thuộc 1 trong các đối tượng tinh giản biên chế)...