Học trò chịu thiệt
Tại Điện Biên, giáo dục mầm non, dạy học ngoại ngữ có những chỉ tiêu chưa đạt mà một nguyên nhân quan trọng là do thiếu GV.
Ông Nguyễn Văn Kiên – Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên – thông tin: Theo định mức, năm học 2018 - 2019, toàn ngành còn thiếu 1.156 GV, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non (780 GV). Thiếu nhiều GV mầm non, thiếu cơ sở vật chất nên tỷ lệ huy động trẻ từ 3 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi ra lớp toàn tỉnh chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch giao (tỷ lệ này năm học 2018 - 2019 là 36,2%). Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở một số điểm trường vùng khó khăn còn hạn chế.
Với dạy học ngoại ngữ, năm học 2018 - 2019, chương trình tiếng Anh hệ 10 năm được Điện Biên mở rộng ở các cấp học. Theo đó, tổ chức dạy học tiếng Anh cho 130/173 trường tiểu học (đạt 75%) với 911/1.728 lớp (đạt 57,3%) và 22.850/38.318 học sinh (chiếm 59,6%). Cấp THCS có 58/128 trường dạy tiếng Anh hệ 10 năm (đạt 45,3%); cấp THPT có 5/33 trường học tiếng Anh hệ 10 năm, đạt 15,15%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Kiên cho rằng, triển khai chương trình tiếng Anh hệ 10 năm ở cấp tiểu học, THCS, THPT của địa phương vẫn chưa bảo đảm chỉ tiêu về số lớp, số học sinh so với kế hoạch. Một số huyện vùng cao không bảo đảm tính liên thông về dạy và học tiếng Anh khi lên học cấp THCS. Nguyên nhân do thiếu GV tiếng Anh, đặc biệt là GV tiếng Anh cấp tiểu học.
Tại Bắc Kạn, khó khăn về GV tiếng Anh khiến nhiều học sinh lớp 3 tại một số điểm trường lẻ chưa được học tiếng Anh (4 tiết/tuần và 2 tiết/tuần). Báo cáo tổng kết năm học 2018 - 2019 của Bắc Kạn cho thấy, tỉnh này còn thiếu GV dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm. Việc thực hiện hợp đồng GV ở một số địa phương, đơn vị còn gặp khó khăn, nhiều nơi không có GV tiếng Anh ký hợp đồng giảng dạy.
Thiếu GV khiến các thầy cô luôn trong tình trạng quá tải, áp lực. Tại Trường Tiểu học Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội) có 1.534 học sinh, chia thành 44 lớp. Tuy nhiên, do nhà trường phải cắt hợp đồng lao động 6 GV diện hợp đồng lâu năm nên phải dồn từ 44 lớp xuống còn 39 lớp. Sĩ số các lớp học vì thế quá tải, nhiều lớp lên đến 48 học sinh. Tương tự, Trường THCS Thụy An (huyện Ba Vì) phải tăng cường GV bộ môn khác đứng lớp; 2 môn còn lại trường xin cơ chế riêng thuê GV thỉnh giảng với chi phí 30.000 đồng/tiết học để bù vào số GV bị thiếu ở 5 bộ môn Toán, Địa lý, Vật lý, Sinh học, Công nghệ.
Đội ngũ GV là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục . Ảnh minh họa/ Internet |
Ổn định đội ngũ: Mỗi nơi một kiểu
Đội ngũ GV là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Do đó, năm học 2019 - 2020, giáo dục các địa phương đều đặt nhiệm vụ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ GV gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng GV đối với các cấp học, các chuẩn được ban hành, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.
Với Khánh Hòa, để khắc phục tình trạng thiếu GV Tin học cấp tiểu học, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch giảng dạy môn Tin học cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới, xác định lộ trình triển khai giảng dạy môn Tin học cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học 2022 - 2023 đến lớp 5 năm học 2024 - 2025, dự báo nhu cầu GV Tin học cần tuyển dụng cho từng năm.
Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Khánh Hòa chia sẻ: Theo CT GDPT hiện hành, môn tự chọn Tin học dạy 2 tiết/tuần. Khi triển khai CT GDPT mới, môn Tin học dạy bắt buộc nhưng chỉ có 1 tiết/tuần, vì vậy nhu cầu GV Tin học sẽ chỉ bằng một nửa so với hiện nay. Do đó, Sở GD&ĐT lưu ý các đơn vị quan tâm tính số tiết Tin học sẽ phải giảng dạy để tuyển dụng GV cho phù hợp; hoặc bố trí GV dạy liên trường để bảo đảm định mức 23 tiết/GV. Đồng thời Sở GD&ĐT cũng đặt hàng với Trường ĐH Khánh Hòa đào tạo GV tiểu học dạy đa môn, trong đó có môn Tin học để đáp ứng việc triển khai CT GDPT mới.
Với Điện Biên, một trong những nhiệm vụ được đưa ra trong năm học 2019 - 2020 là thực hiện các giải pháp bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu GV các cấp học theo quy định. Kịp thời thực hiện quy trình tuyển dụng bổ sung GV, đặc biệt là GV mầm non trong chỉ tiêu biên chế sự nghiệp được giao. Với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên kiến nghị: Tinh giản biên chế đối với ngành GD-ĐT nhưng phải đảm bảo định mức GV theo quy định. Giao bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp để bảo đảm đủ định mức. Cho phép tuyển dụng nhân viên kế toán, y tế trường học, đặc biệt là tại cơ sở giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa.