(GD&TĐ)-Đó là yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (ảnh MH) |
Theo đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là các TCTD) chủ động phối hợp với khách hàng vay trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng.
Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng theo quy định tại Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/5/2005: Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và TCTD đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì TCTD xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay.
Bên cạnh đó, khách hàng không có có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và được TCTD đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì TCTD xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
Thực hiện việc phân loại nợ đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.
Trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của TCTD, TCTD xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động.
Bên cạnh đó, các TCTD xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định tại Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 và trên cơ sở khả năng tài chính, quy chế miễn, giảm lãi của TCTD.
Thực hiện yêu cầu của NHNN về việc xem xét giảm lãi suất cho vay, ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, HDBank cho biết:
So với đầu tháng 2/2012, lãi suất cho vay thỏa thuận hiện đã được HDBank điều chỉnh dần, nhằm giảm áp lực cho những người cần vốn. Cụ thể, lãi vay áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu là 17 - 18%/năm, giảm 1%/năm so với trước đây.
Chúng tôi cũng sẽ xem xét diễn biến lãi suất trên thị trường để điều chỉnh cho phù hợp và khả năng xuống 16 - 18%/năm trong thời gian tới, khi chi phí đầu vào đã được tiết giảm. Lãi suất cho vay giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh cao và nợ xấu cũng sẽ giảm dần. Trên thực tế, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong thời gian qua và hiện nay là luôn có, nhưng do áp lực lãi vay cao nên Ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng.
Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khẳng định:
Chúng tôi cũng dành 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp từ nay đến ngày 6/4 hoặc khi nguồn vốn đã sử dụng hết (tùy theo điều kiện nào đến trước). Đối tượng khách hàng được Sacombank ưu tiên cho vay là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay của chương trình này tối thiểu 16,5%/năm với thời hạn vay tối đa 4 tháng.
Trước mắt, mức lãi suất cho vay này được xem là ưu đãi, nhưng Sacombank sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để điều chỉnh lãi suất cho vay về mức hợp lý, giảm khó khăn cho khách hàng.
Hải Minh-Thùy Vinh