Bộ GD&ĐT trả lời :
Trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành, môn Lịch sử và Địa lý lớp 4, HS được biết sơ lược về vùng biển, đảo và quần đảo của nước ta, kể tên được một số hoạt động khai thác nguồn lợi chính của biển, đảo; có kỹ năng nhận biết được vị trí của Biển Đông, các vịnh (vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan), quần đảo (Trường Sa, Hoàng Sa), đảo lớn (Cái Bầu, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc) của Việt Nam trên bản đồ, lược đồ.
Trong môn Địa lý lớp 9, HS được học nội dung phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, đảo, trong đó có tên và vị trí các quần đảo (Trường Sa, Hoàng Sa) và đảo lớn (Cát Bà, Cái Bầu, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc, Thổ Chu); phân tích được ý nghĩa kinh tế của biển, đảo đối với việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng; trình bày được các hoạt động khai thác tài nguyên trên biển, đảo và phát triển tổng hợp kinh tế biển.
Trong Chương trình GDPT mới, nội dung về chủ quyền biển, đảo được đề cập trong nhiều môn học. Trong môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS, HS sẽ học về chủ đề “Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam” với nội dung đan xen giữa Lịch sử và Địa lý. Ở lớp 8, HS được nghiên cứu về quá trình các chúa Nguyễn xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và những bằng chứng về quá trình này, khẳng định “Biển là không gian sinh tồn của dân tộc Việt”.
Ở lớp 9, HS được nghiên cứu về quá trình thực thi chủ quyền đối với các vùng biển và hải đảo Việt Nam thời hiện đại. Ở góc độ địa lí, HS được học các khái niệm cơ bản về các vùng biển và thềm lục địa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên Hiêp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS) và Luật Biển của Việt Nam; vai trò chiến lược của hệ thống đảo nước ta trong việc khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển và thềm lục địa; cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo; vai trò của kinh tế biển trong nền kinh tế Việt Nam hiện đại và trong việc phát huy chủ quyền biển, đảo.
Ở chương trình môn GD Kinh tế và Pháp luật (lớp 12), HS sẽ học nội dung cơ bản của Công pháp quốc tế, trong đó có các vấn đề về dân cư, lãnh thổ và biên giới quốc gia, các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia. (Còn nữa)