Biện pháp khắc phục tạm thời cho tình trạng này là thuê địa điểm khác hoặc chuyển sang học 1 buổi/ngày… Điều này gây không ít xáo trộn với cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Đau đầu xây dựng phương án dạy học
Cuối tháng 9/2024, công trình xây mới dãy nhà 12 phòng học của Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bắt đầu khởi công. Để bàn giao mặt bằng xây dựng, nhà trường và phụ huynh đã bàn bạc phương án tổ chức dạy - học trước khi bước vào năm học 2024 - 2025.
Bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi đưa ra phương án tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh khối 5 vì đây là lứa học sinh đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, phụ huynh không đồng ý vì phải đưa đón 4 lượt/ngày do nhà trường không thể tổ chức bán trú. Phương án học 6 buổi/tuần cũng không nhận được sự đồng thuận của phụ huynh vì phải đưa đón trái buổi. Cuối cùng, nhà trường chốt phương án chỉ học 1 buổi với thời lượng 6 tiết/buổi”.
Với khối lớp 3 chỉ có 3 ngày phải học 6 tiết/buổi, 2 ngày còn lại học 5 tiết/buổi. Theo cô Hiệu trưởng Đào Thị Hằng, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn điều chỉnh lịch vào học buổi sáng từ 7 giờ 15 phút để học sinh tan học không quá muộn.
Trong sắp xếp thời khóa biểu, ban giám hiệu phải tính toán để có sự đan xen các tiết học Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật… giữa những tiết học nặng về kiến thức để đảm bảo hiệu quả tiếp thu cho học sinh. Thầy cô giáo cũng tổ chức hình thức vận động tại chỗ giữa các tiết để trò không quá mệt.
Cũng chuyển sang học 1 buổi/ngày để bàn giao mặt bằng thi công công trình nâng cấp, cải tạo trường học với kinh phí đầu tư 44 tỷ đồng, Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) ưu tiên học sinh khối 1 - 2 học buổi sáng. Riêng khối lớp 4 phải chia ra, có 3 lớp buổi sáng, số lớp còn lại học buổi chiều.
Cô Đặng Thị Thùy Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương chia sẻ: “Từ lớp 3 trở lên phải chấp nhận phương án học trái buổi môn học Âm nhạc, Thể dục để đảm bảo mỗi buổi, học sinh chỉ học 5 tiết. Phòng tin học và Hội trường được sử dụng làm phòng học cho các môn học trái buổi. Với môn Thể dục, học sinh được bố trí tại nhà đa năng. Học sinh di chuyển để học ở nhiều nơi nên nhà trường quán triệt giáo viên phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho các em”.
Do Trường Tiểu học Bế Văn Đàn không đủ phòng để tổ chức học 2 buổi/ngày, năm nay con chị Nguyễn Hồng Nhung chuyển sang học buổi chiều. “Để con có giấc ngủ trưa ngắn trước khi đến lớp, tôi phải sắp xếp lại sinh hoạt gia đình. Thời gian đầu, tôi nhờ được ông bà từ quê vào hỗ trợ đưa đón, trông nom cháu buổi sáng. Nhưng về lâu dài thì chưa biết phải tính thế nào”, chị Nhung bày tỏ.
Đảm bảo an toàn cho học sinh
Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được xây dựng từ năm 1997, hai năm học gần đây đã xuống cấp trầm trọng. Các trụ tường của trường phơi cả sắt ra ngoài. Dọc theo hành lang lớp học, trần nhà bong tróc; mái tôn bị mục, mùa mưa nước chảy xuống lớp học… Sân trường nhiều chỗ lồi lõm, nước ứ đọng khi mưa to, đặc biệt là vị trí trước cổng trường nơi phụ huynh đưa đón học sinh. Chính vì vậy, phụ huynh rất ủng hộ khi nhà trường được đầu tư xây dựng mới.
Giữa khu vực thi công và diễn ra hoạt động dạy - học của Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương được rào chắn cẩn thận, có biển thông báo học sinh không được di chuyển gần khu vực công trình xây dựng. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở đơn vị thi công, vận chuyển vật liệu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, tránh giờ cao điểm khi học sinh đến và tan trường.
Công tác đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong điều kiện dạy - học bên cạnh các công trình xây dựng được các trường học đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, thi công trong thời gian học ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cũng như chất lượng dạy học do thiếu phòng học tạm thời, bụi bẩn, tiếng ồn và thu hẹp không gian sinh hoạt của học sinh.
Từ khi chuyển sang học 1 buổi/ngày, giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương chỉ còn 10 phút thay vì 25 phút như trước đây. Theo cô Đặng Thị Thùy Liên, giáo viên chủ yếu cho các em chơi trong phòng học để đảm bảo an toàn. “Phòng làm việc của ban giám hiệu cũng phải chọn ở phòng cuối của dãy nhà, ngay sát công trình đang thi công, coi như một điểm chốt để quản lý học sinh, không cho các em chơi gần khu vực công trình”, cô Liên thông tin.
Trước đó, Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương đã khảo sát một số địa điểm để thuê phòng phục vụ dạy học nhưng đều khá xa. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng nhà trường, nếu chọn địa điểm xa quá, một bộ phận học sinh trước đây tự đi bộ đến trường sẽ rất khó khăn trong di chuyển vì không có người đưa đón.
Trường xây dựng nên trò học một buổi/ngày gây không ít khó khăn cho phụ huynh. Do không thu xếp được công việc để quản lý và hỗ trợ việc học tập của trẻ trong buổi còn lại, nhiều phụ huynh chọn cách gửi trẻ tại các trung tâm bán trú ở gần trường sau khi tan học. Qua đó, trẻ vừa được chăm sóc ăn uống và ôn bài, làm bài vào buổi còn lại.
Còn anh L.A., phụ huynh Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương thì băn khoăn, nếu công trình được khởi công từ đầu hè 2024 thì thời gian học tạm của học sinh sẽ rút ngắn lại chứ không phải kéo dài trong gần một năm học như dự kiến hiện nay.
Cô Đào Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết: Dự kiến, khoảng 1,5 tháng sau khai giảng, nhà trường sẽ nắm số học sinh có khó khăn về khả năng tiếp thu để có sự hỗ trợ trong học tập. Hiện nhà trường còn trống 3 - 4 phòng học. Những phòng này được đưa vào sử dụng để phụ đạo trái buổi cho học sinh khó khăn về học, học sinh khuyết tật.
Phương châm của trường là trong thời gian chuyển sang dạy - học 1 buổi, phải ưu tiên trước hết cho học sinh. Giáo viên chấp nhận tiết chờ để có thể đan xen thời khóa biểu nhằm giảm áp lực học tập cho trò.