Đầu tư xây dựng trường lớp, đổi mới tuyển dụng giáo viên

GD&TĐ - Từ ngày 14/8, học sinh (HS) trên địa bàn TPHCM đã tựu trường, bắt đầu năm học mới 2017 - 2018. Theo Sở GD&ĐT TPHCM, công tác chuẩn bị cho năm học mới như đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, tuyển dụng giáo viên (GV) luôn được quan tâm hàng đầu và cơ bản đã hoàn tất… nhằm đáp ứng tốt nhất cho việc dạy và học.

Những đổi mới trong tuyển dụng GVMN tạo ra nguồn tuyển dồi dào
góp phần giải bài toán thiếu GVMN cho TPHCM
Những đổi mới trong tuyển dụng GVMN tạo ra nguồn tuyển dồi dào góp phần giải bài toán thiếu GVMN cho TPHCM

Tiếp tục đầu tư xây dựng trường lớp

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2017 - 2018, số HS tại thành phố tăng khoảng 59.082 HS.

Cụ thể, khối mầm non tăng 19.830 HS, khối tiểu học tăng 20.199 HS; THCS tăng 12.741 HS và khối THPT tăng 6.312 HS. Nhìn chung, số học sinh trong năm học 2017 - 2018 tăng nhiều ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận (12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức) và huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Việc HS tăng nhanh hằng năm luôn là một thách thức đối với ngành GD thành phố về việc đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn. Vì vậy, theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: Để chuẩn bị cho năm học 2017 – 2018, TPHCM tiếp tục tăng cường đầu tư để xây dựng trường lớp.

Dự kiến số phòng học mới đưa vào sử dụng đầu tháng 9 tới là 1.479 phòng học mới (trong đó, số phòng học tăng thêm là 978 phòng). Qua đó, năm học 2017 - 2018, TP tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, việc giảm sĩ số học sinh/lớp, học sinh học 2 buổi/ngày có chuyển biến tích cực.

Nhằm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Sở đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 với 722 dự án, quy mô 12.785 phòng học.

Ngoài việc đầu tư xây dựng trường lớp, TPHCM đẩy mạnh việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho khối quận, huyện và các trường THPT, trung tâm GDTX với số tiền hơn 500 triệu đồng.

Đổi mới trong tuyển dụng GV

Bên cạnh đầu tư cho CSVC, Sở GD&ĐT đặc biệt chú trọng đến công tác tuyển dụng giáo viên, nhân viên để đáp ứng công tác giảng dạy cho năm học mới.

Ông Lê Hồng Sơn cho hay, năm học này dự kiến toàn ngành tuyển dụng khoảng 5.000 người nhằm thay thế giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc và phục vụ cho các trường mới thành lập đi vào hoạt động trong năm học mới.

Cụ thể như ở khối các trường THPT và trung tâm GDTX tuyển 376 giáo viên, 44 nhân viên; khối mầm non: 1.203 người; tiểu học: 1459 người; THSC: 1.634 người; khối các trường CĐ -TC trực thuộc: 166 giảng viên và 42 nhân viên.

Điểm mới trong tuyển dụng GV đó chính là năm học 2017 - 2018 là năm đầu tiên Sở GD&ĐT TPHCM được phép tuyển dụng giáo viên mầm non (GVMN) ngoại tỉnh. Việc bỏ yêu cầu về hộ khẩu TP trong tuyển dụng GVMN là một điểm mới đáng ghi nhận trong nghị quyết về thu hút GVMN được HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp vào ngày 6/7.

Theo đó, việc bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng GVMN dẫn đến việc nguồn tuyển sẽ phong phú hơn, giải quyết bài toán về thiếu hàng ngàn GVMN trên địa bàn. Ngoài ra, bỏ hộ khẩu TP trong tuyển dụng cũng tăng tính cạnh tranh cũng như góp phần nâng chất lượng của GV.

Bên cạnh đó là một số chính sách, đãi ngộ đối với GVMN như GVMN công lập được hưởng mức lương 3.750.000 đồng/người/tháng với thời gian hưởng 9 tháng/năm. Đối với nhân viên nuôi dưỡng, mức hỗ trợ tối thiểu là 2.000.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ GVMN do tính chất công với mức 650.000 đồng/ người/ tháng với thời gian hưởng 9 tháng/năm (không áp dụng đối với giáo viên hợp đồng)…

Ngoài ra, Sở cũng rất linh hoạt trong tuyển dụng GV, nhân viên cho các đơn vị trực thuộc Sở đó là đã bỏ điều kiện hộ khẩu TP với một số trường hợp cụ thể để thu hút người tài.

Theo đó, trường hợp người dự tuyển không có hộ khẩu thường trú tại TP thì người dự tuyển phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây: Có học hàm Giáo sư (có tuổi đời dưới 45 tuổi đối với nữ và 50 tuổi đối với nam), Phó Giáo sư (có tuổi đời dưới 40 tuổi); Có bằng Tiến sĩ (có tuổi đời dưới 35 tuổi); Có bằng Thạc sĩ (có tuổi đời dưới 30 tuổi). Ngoài ra, những ứng viên tốt nghiệp loại xuất sắc các ĐH trong nước hoặc tốt nghiệp loại giỏi các trường ĐH nước ngoài (có tuổi đời dưới 25 tuổi) cũng được ứng tuyển nếu không có hộ khẩu tại TP.

Ngoài công tác tuyển dụng GV, đầu tư CSVC, người đứng đầu ngành GD-ĐT thành phố cho hay: Năm học 2017 – 2018, TPHCM tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xuyên suốt từ năm học trước.

Sở GD&ĐT thành phố cho biết sẽ tiếp tục thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra: Đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục; Đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy – học tập, phương pháp kiểm tra – đánh giá; coi trọng quản lý chất lượng giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật đến trường và hòa nhập vào cuộc sống; Thực hiện các đề án, kế hoạch có tính đột phá nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 29-NQ/TW.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.