“Để nước chảy về chỗ trũng”
Năm nào, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng không tuyển đủ so với chỉ tiêu tuyển sinh lớp Một được giao. Năm học 2020 – 2021, trường tuyển thiếu khoảng 50 – 60 HS. Con số này của năm học trước đó là khoảng 45 HS.
Thầy Nguyễn Thái Phong cho biết: “Nhiều năm liền, Trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu được giao. Ngoài lý do phường số dân đăng ký tạm trú nhiều nên có sự biến động trong số liệu điều tra phổ cập thì những năm trước đó, gia đình nào có điều kiện một chút đều cho con đi học trái tuyến ở các trường khác trong quận”.
Cách đây khoảng 3 năm, mỗi năm, Trường “mất” khoảng từ 1-2 lớp, chiếm khoảng 30% so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Đây là số HS là con em của phường đi học trái tuyến ở các phường khác.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình có HS vào lớp Một, BGH trường Tiểu học Võ Thị Sáu chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tham gia tất cả các hội thi, phong trào do Phòng và Sở GD&ĐT tổ chức và đều có giải. Ngoài bồi dưỡng học sinh giỏi, các giáo viên đều dành thời gian phụ đạo cho học sinh gặp khó khăn về học sau giờ tan học.
Sinh hoạt ngoại khóa CLB tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. |
Với tổng diện tích của trường gần 10 nghìn m2, có một khu thể thao đủ rộng và đẹp, sân trường thoáng, rợp bóng cây xanh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có điều kiện để đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh. Tất cả những nỗ lực này, nói như thầy Nguyễn Thái Phong, là ít nhất, giữ cho được HS có hộ khẩu ở phường Thuận Phước ở lại trường học chứ không học trái tuyến tại các trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu không bị áp lực khoán chỉ tiêu chất lượng. Những con số như số lượng học sinh lên lớp trong một lớp chiếm bao nhiêu phần trăm so với toàn trường đều không ảnh hưởng đến đánh giá xếp loại giáo viên. Miễn sao GV phải làm hết trách nhiệm với HS, để các em thẩm thấu kiến thức và hình thành kỹ năng tốt hơn.
“Có những hoạt động giáo dục, chúng ta không thể thấy kết quả ngay được mà phải cần có thời gian. Như các hoạt động trải nghiệm đôi khi phải mất vài ba năm, HS mới có được kỹ năng. Vì vậy, GV cần được “cởi trói” thì mới có thể phát huy được sự sáng tạo” – thầy Phong khẳng định.
Để học sinh không ngồi nhầm lớp
Năm 2018, khi bắt đầu nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thầy Nguyễn Thái Phong đã khiến không ít người sốc với quyết định cho 22 HS ở lại lớp.
Đến bây giờ, thầy cô Trường Tiểu học Võ Thị Sáu vẫn nhớ trường hợp của em T.B. Năm học 2019 – 2020, B. phải học thêm một năm lớp 2 nhưng đầu năm học, em nhất định phải được ngồi học với các bạn cũ đã chuyển lên lớp 3. Trước đó, T.B đã có hai năm học lớp Một. Để tránh B. bị kích động, tuần học đầu tiên, nhà trường vẫn phải để cho em theo lên lớp Ba ngồi học cùng các bạn cũ. “Quan điểm của nhà trường là làm sao để HS thấy thoải mái nhất. Song song với đó, các thầy cô giáo thuyết phục, động viên dần dần để HS có sự ổn định tâm lý” - thầy Nguyễn Thái Phong cho kể.
Cô giáo Nguyễn Thị Tường Vy (GV Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) phụ đạo HS gặp khó khăn về học vào cuối buổi học. |
Với B., GVCN đã xây dựng kế hoạch đặc biệt để hỗ trợ riêng. Cô Nguyễn Thị Tường Vy – GVCN của B. năm học 2020 – 2021 kể: “Ngoài việc kèm thêm cho B. các môn văn hóa, tôi còn tạo thành nhóm học tập để các bạn cùng nhóm hỗ trợ thêm cho B. thông qua các trò chơi học tập. GV trao đổi thêm với phụ huynh để tạo điều kiện cho B. tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng với lớp để tăng thêm tương tác với các bạn”.
Sau một thời gian, T.B tiến bộ dần, nhận thức tốt hơn, biết làm theo yêu cầu và đáp ứng được nội dung học tập. Sự kiên trì, tình yêu thương cũng như phương pháp dạy học phù hợp đã giúp B. có nhiều tiến bộ. Triệu chứng kích động của B. có giảm về tần suất và mức độ so với 2 năm học trước khá nhiều.
Những HS có khó khăn tiếp thu như trường hợp của B, trường Tiểu học Võ Thị Sáu đều xây dựng hồ sơ riêng để hỗ trợ HS trong các tiết học cá nhân. Thầy Phong cho biết, với những học sinh này, nhất định không thừa nhận con mình gặp khó khăn về học nên nhà trường không thể bổ sung hồ sơ để giảm yêu cầu đánh giá với em được. Học sinh vẫn phải tham gia các bài kiểm tra chung với các bạn. Đây là một “áp lực” rất lớn đối với các em. Nếu không có sự đồng thuận từ gia đình thì các em vẫn phải “bơi” và sẽ dần lùi lại phía sau.
Thầy Nguyễn Thái Phong khẳng định, để một học sinh ở lại lớp là cực kỳ khó. “Không thể có chuyện nhà trường trong một năm học không làm gì rồi cuối năm cho học sinh ở lại lớp. Một tháng đầu tiên của năm học, giáo viên sẽ đánh giá được khả năng ghi nhớ, phản hồi của học sinh cũng như sự tương tác với các bạn trong lớp.
Giáo viên chủ nhiệm sẽ báo cáo lên Ban giám hiệu tình trạng cũng như mức độ của học sinh để nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi. Trong khoảng thời gian còn lại của năm học, nhà trường sẽ tổ chức các hình thức hỗ trợ học tập phù hợp cho từng em. Giáo viên, phụ huynh và nhà trường sẽ có sự trao đổi, đánh giá thường xuyên mức độ tiến bộ của học sinh, còn mặt nào khiếm khuyết để tìm cách khắc phục” – thầy Phong chia sẻ.
Nếu kết quả đánh giá cuối năm không đạt, học sinh vẫn còn đến 2 cơ hội kiểm tra lại trong hè sau khi đã được giáo viên phụ đạo. Sự đồng hành của tập thể giáo viên trong các kế hoạch hỗ trợ học tập đối với những học sinh gặp khó khăn về học đã giúp cho phụ huynh thôi không còn làm áp lực đối với Ban giám hiệu khi con họ buộc phải ở lại lớp.