Hướng đến “dạy thật, học thật, thi thật”

GD&TĐ - Trên hành trình đến với các địa phương trên dải đất miền Trung – Tây Nguyên, chúng tôi thực sự mới cảm nhận hết được sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý cùng đội ngũ giáo viên ngành GD-ĐT các địa phương trong việc thực hiện đổi mới hoạt động dạy học.

Hướng đến “dạy thật, học thật, thi thật”

Trước những đổi mới về phương án tổ chức và nội dung, cấu trúc đề thi kỳ thi THPT quốc gia, hướng tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, ngành GD-ĐT các địa phương đã linh hoạt, chủ động đề ra các giải pháp thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học, phương án tổ chức các kỳ thi.

Linh hoạt và chủ động

Theo thầy Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Định đã linh hoạt, chủ động cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, tạo nên một phong trào thi đua đổi mới sôi nổi trong giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục.

Để có một cái nhìn khách quan, cụ thể về những kết quả thực hiện đổi mới về giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh tại các trường học, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Định cũng đã triển khai các giải pháp, đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh.

Thầy Đào Đức Tuấn cho hay: Một trong những nội dung trong tâm của ngành GD-ĐT Bình Định trong thời gian qua là đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh. Đổi mới từ cách thức tổ chức kỳ thi, đến việc xây dựng cấu trúc, nội dung đề thi đã được ngành GD-ĐT địa phương, các trường học thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Trong đó, đối với học sinh bậc trung học, cấu trúc, nội dung các đề thi được xây dựng theo hướng giúp học sinh làm quen với hình thức kiểm tra trắc nghiệm. Ở bậc THPT, việc đổi mới công tác kiểm tra và đánh giá học sinh được Sở GD&ĐT Bình Định đặc biệt chú trọng, nhằm giúp học sinh, nhất là học sinh lớp 12 tăng cường, tiếp xúc nhiều hơn với hình thức thi trắc nghiệm.

Nói về kinh nghiệm chuyên môn trong việc chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh từ khâu ra đề thi, tổ chức thi, thầy Đào Đức Tuấn chia sẻ: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra. Tăng cường ra câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn đúng thay vì chỉ có 1 lựa chọn đúng.

Trong các đề kiểm tra, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn thời sự quê hương, đất nước đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Các trường cũng sẽ tích cực tổ chức hoạt động đề xuất và lựa chọn, hoàn thiện các câu hỏi, bài tập kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực để bổ sung cho thư viện câu hỏi của trường. Đồng thời, tăng cường xây dựng nguồn học liệu mở (thư viện học liệu) về câu hỏi, bài tập, đề thi, kế hoạch bài học, tài liệu tham khảo có chất lượng trên website của Bộ GD&ĐT và các trường khác.

Để triển khai thực hiện đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong thời gian qua, song song với đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá hoạt động giảng dạy, học tập, chất lượng học sinh, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đã có; xây dựng kế hoạch bổ sung kịp thời, đầy đủ, đảm bảo về chất lượng đáp ứng được yêu cầu triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quyết liệt đổi mới kiểm tra, đánh giá

Không riêng gì tỉnh Bình Định, Kon Tum, công tác đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng được ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam thực hiện một cách quyết liệt. Theo thầy Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện phải bắt đầu từ chất lượng giáo dục. Vì vậy năm học này, Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan đến Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy Quảng Nam, các nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ GD&ĐT.

Trong đó, sự thay đổi, đổi mới đáng chú ý là Sở GD&ĐT chỉ đạo sâu sát hơn về chuyên môn, mà cụ thể là triển khai tập huấn những nội dung liên quan đến công tác giảng dạy, đánh giá học sinh đến tận các giáo viên THPT chứ không dừng lại tổ trưởng như trước đây.

Sự thay đổi này đã được cán bộ, giáo viên hưởng ứng vì với hình thức này mang lại những bổ ích hết sức thiết thực, giúp giáo viên bổ sung nhiều kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng. Cũng trong năm học này, lần đầu tiên Sở GD&ĐT Quảng Nam thực hiện công tác kiểm tra đánh giá giáo viên về chuẩn bị lên lớp, nội dung bài giảng không báo trước ở tất cả cấp học để có đánh giá chính xác năng lực đội ngũ và tinh thần làm việc.

Với mục tiêu hướng đến “dạy thật, học thật, thi thật”, ngành GD-ĐT cũng đã có nhiều bước thay đổi, đổi mới trong việc tổ chức thi, ra đề thi không riêng gì ở bậc THPT, mà còn ở các bậc THCS. Riêng đối với kiểm tra học kỳ, các năm trước Sở GD&ĐT đảm nhận việc ra đề cho khối lớp 12 và 9 các môn Toán, Văn, tiếng Anh. Tuy nhiên, năm nay Sở GD&ĐT Quảng Nam mở rộng hơn khi ra đề kiểm tra chung toàn tỉnh 9 môn đối với cấp THPT, 8 môn với khối lớp 9 và 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh với học sinh khối lớp 6.

Thầy Hà Thanh Quốc cho biết thêm: Nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Sở GD&ĐT đã tổ chức khảo sát chất lượng học sinh, gọi là “thi thử”. Kỳ thi thử này không chỉ để kiểm tra kiến thức, chất lượng của học sinh để bổ sung, điều chỉnh, hệ thống hóa kiến thức mà Sở GD&ĐT còn xem đây là cuộc tập dượt cho kỳ thi THPT năm 2018 để chuẩn bị tâm lý cho học sinh về cách thức, kỹ năng làm bài một kỳ thi THPT quốc gia, nhất là cách làm bài thi trắc nghiệm, thậm chí các em cần phải làm quen với cách điền mã số trong bài thi.

“Mục tiêu của những đổi mới này là nhằm đánh giá, nắm rõ chất lượng giáo dục ở các bậc học trên địa bàn toàn tỉnh, tránh tình trạng “ngồi nhầm lớp” hay bậc học trên đổ lỗi cho bậc học dưới về chất lượng giáo dục. Việc Sở GD&ĐT ra đề kiểm tra học kỳ lớp 6 cũng như tổ chức thi tuyển sinh vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam được các huyện ủng hộ, tác động tích cực, chuyển biến rất lớn đến công tác dạy học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn địa phương” - thầy Hà Thanh Quốc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.