Xây dựng và củng cố niềm tin

GD&TĐ - Đến nay, việc có cho người lao động rút toàn bộ bảo hiểm xã hội hay không vẫn gây nhiều tranh cãi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Và nếu không cho rút toàn bộ bảo hiểm xã hội thì giải pháp nào để giữ chân người lao động hiện vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo.

Theo số liệu thống kê, năm 2022, ước số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là khoảng 895.500, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Còn theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 thì trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.

Số người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn 2016 - 2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng do người sử dụng lao động quyết định với tổng số 2.899.200 người, chiếm 90,74% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Tiếp đó là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với 257.002 người, chiếm 8,04% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và thấp nhất là đối tượng tự nguyện với 38.856 người, chiếm 1,22% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Điểm đáng lo ngại là người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 với khoảng 40,4%; tiếp đó nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30, chiếm khoảng 37,1%; nhóm tuổi từ trên 40 tuổi đến đủ 50 tuổi chiếm khoảng 15,4%; nhóm tuổi từ trên 50 đến đủ 60 chiếm khoảng 5,8%; nhóm tuổi từ trên 60 đứng thứ 5, chiếm khoảng 1,1% và thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống, chiếm khoảng 0,3%.

Lý giải về tình trạng người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, Bộ LĐ,TB&XH cho rằng do đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều, khi bị mất việc rất khó khăn về tài chính.

Do thời gian đóng bảo hiểm để được hưởng lương khi nghỉ hưu còn dài... Ngoài ra, lý do quan trọng nữa là việc chấp hành chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của một số đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm; thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động nên họ không được hưởng đầy đủ các chế độ, không muốn gắn bó với hệ thống bảo hiểm xã hội...

Từ những nguyên nhân trên, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ,TB&XH đề xuất hai phương án về rút bảo hiểm. Phương án 1 là giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Đó là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2 là cho lao động rút một lần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Đến thời điểm này, việc lựa chọn phương án nào vẫn chưa “ngã ngũ”. Và để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm một lần, khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đóng để hưởng lương hưu khi về già chắc chắn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, gồm cả giải pháp trực tiếp là điều chỉnh quy định pháp luật và giải pháp gián tiếp là khuyến khích người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đặc biệt là phải xây dựng và củng cố niềm tin. Chỉ có như vậy, mới có thể thu hút và giữ được người lao động ở lại hệ thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.