Giúp Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn
Hoàng Tuấn Anh (Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, Chủ tịch của AIESEC Hà Nội – Tổ chức sinh viên quốc tế tại Việt Nam) cho biết: Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với các bạn trẻ quốc tế do sự khác biệt về văn hóa.
Tuy nhiên, trước khi quyết định đăng ký tham gia một dự án nào đó, sinh viên quốc tế thường quan tâm đến việc khi tham gia dự án họ có thể đóng góp gì cho giới trẻ và xã hội của đất nước mà họ tới.
“Chúng mình phải tạo ra những ý tưởng hấp dẫn, dự án có môi trường đa văn hóa, xoáy vào một số điểm mà các bạn ấy có thể giúp đỡ cho Việt Nam. Có như vậy thì trong vô vàn các lựa chọn trải nghiệm ở các quốc gia khác, các bạn sinh viên quốc tế mới bị “hút” về nước ta”.
Sau khi đã hoàn thiện được khâu thu hút thì khó khăn tiếp theo của các bạn trẻ Việt là chọn lựa làm sao để có được những ứng viên quốc tế “nặng ký” và phù hợp với chủ đề, lĩnh vực mà dự án hướng tới.
Theo Tuấn Anh, một dự án do AIESEC tại Việt Nam tổ chức thường nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Các bạn trẻ ở Đông Á, do thuận lợi về khoảng cách địa lý nên thường đăng ký rất đông, khoảng 150 – 200 hồ sơ/dự án, các bạn trẻ Âu – Mỹ thì thường có chừng 40 – 50 ứng viên muốn tham gia.
Sinh viên đến từ nhiều quốc gia mà không phải nước nào cũng nói tiếng Anh nên yếu tố đầu tiên để các thành viên trong nhóm dự án của AIESEC Hà Nội đánh giá, xét duyệt là khả năng tiếng Anh. Các ứng viên cần chứng tỏ trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp và làm việc thuận lợi trong suốt quá trình dự án diễn ra.
Tuấn Anh chia sẻ: “Chúng mình coi trọng động lực của các bạn khi tham gia chương trình, các bạn đăng ký tới Việt Nam với mục đích tình nguyện, phát triển, giúp đỡ Việt Nam thì thường sẽ được đánh giá cao hơn.
Sau đó, nhóm sẽ tìm các bạn sinh viên quốc tế có những kỹ năng, kinh nghiệm và hiểu biết nhất định về lĩnh vực, chủ đề mà dự án hướng tới.
Ví dụ, khi làm dự án về môi trường thì ưu tiên những bạn quốc tế đã tham gia nhiều chương trình, tổ chức về môi trường ở trong nước các bạn ấy, còn các dự án về đào tạo kỹ năng lãnh đạo thì tìm các bạn đã từng hoạt động, quản lý đội, nhóm”.
Nguyễn Vĩnh Bảo (năm thứ hai, ngành Cử nhân Thương mại, trường ĐH RMIT, Trưởng ban Tổ chức dự án “VietNam Youth Icon 2″ – Người Việt trẻ), vừa cùng nhóm dự án đón 7 bạn sinh viên quốc tế sang Việt Nam.
Từ lúc khởi động “VietNam Youth Icon 2″, các sinh viên quốc tế này đã cùng ban dự án họp bàn, thảo luận để lên kế hoạch nội dung, nhận nhiệm vụ, đầu việc. Khi chương trình diễn ra, họ đóng vai trò tương tác với các học sinh tham gia.
Theo Bảo, nhờ kết hợp làm việc với các thực tập sinh quốc tế nên các bạn sinh viên Việt Nam, khi tham gia “VietNam Youth Icon 2″, cũng học được rất nhiều điều bổ ích như: Thái độ cởi mở đón nhận các ý kiến, làm việc nhiệt tình và nghiêm túc của các sinh viên nước ngoài.
Nảy sinh nhiều ý tưởng mới lạ, hiệu quả
Nhiều thực tập sinh đến từ những đất nước có nền giáo dục phát triển còn là “đầu mối” đưa ra những ý tưởng rất sáng tạo và có hiệu quả cao.
Bảo chia sẻ: “Một bạn sinh viên từ Mỹ đã đề xuất đưa ý tưởng “quan tòa xử án” (có nguồn gốc từ những lớp học tại Mỹ) vào “VietNam Youth Icon 2″.
Ngay sau đó, nhóm sinh viên làm nội dung đã làm việc cụ thể với bạn ấy để hiểu sâu về mô hình này, đồng thời, đưa ra những điều chỉnh phù hợp với dự án. Điều đặc biệt là “quan tòa xử án” nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của những bạn trẻ tham gia.
Nhiều sinh viên phản hồi, nhờ có mô hình này mà họ học được kỹ năng tự tin đứng trước mọi người để nói về một vấn đề, bảo vệ quan điểm của mình, rèn luyện và nâng cao khả năng tranh luận.
Tuy là hoạt động tình nguyện và không được trả lương song các bạn trẻ thuộc nhóm dự án tại Việt Nam luôn dành nhiều nỗ lực để giúp đỡ các bạn quốc tế, đặc biệt là về mặt sinh hoạt trong các gia đình Việt, đảm bảo an toàn, đồng thời, góp phần tạo ra môi trường để các bạn có thể hòa nhập, trải nghiệm văn hóa với người bản địa.
Với sinh viên Việt Nam, tham gia một dự án có sự đóng góp của các sinh viên quốc tế sẽ giúp các bạn rèn luyện tiếng Anh, được sống trong môi trường đa văn hóa, học được cách tư duy của những sinh viên đến từ những đất nước có nền giáo dục phát triển, mở rộng các mối quan hệ trên phạm vi toàn cầu.