Xây dựng môi trường thực tế ảo cho động vật thí nghiệm

GD&TĐ - Những tín đồ của dòng phim khoa học viễn tưởng Star Trek thế hệ mới chắc hẳn sẽ nhớ Holodeck (đấu trường thực tế ảo) có thể tái hiện bất cứ loại môi trường nào. 

Xây dựng môi trường thực tế ảo cho động vật thí nghiệm

Mặc dù nó có thể sử dụng như 1 căn phòng luyện tập, song các thuyền viên Enterprise thường sử dụng chúng như 1 không gian tiêu khiển, đắm mình vào thiên nhiên ảo…

Lấy cảm hứng từ thiết bị giả tưởng trên, các nhà nghiên cứu châu Âu đã phát triển một môi trường thực tế ảo cho động vật di chuyển tự do và đạt được những hiệu quả trong việc tạo dựng các ảo giác thuyết phục về thế giới tự nhiên cho chuột, cá và ruồi giấm.

Điều khác biệt ở chỗ hệ thống công nghệ thực tế ảo (VR) này không được thiết kế vào mục đích giải trí cho động vật. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu hi vọng có thể sử dụng thiết bị VR như một thiết bị điều khiển để kiểm tra nhận thức và hành vi động vật.

Được gọi tên là FreemoVR, hệ thống này thực ra khá cơ bản so với 1 môi trường thực tế ảo thông thường. Thiết lập trong không gian hình trụ với sàn nhà và tường bao quanh được làm từ nhiều màn hình máy tính linh hoạt. Động vật được đặt vào trong môi trường này sẽ được quan sát bởi các camera và cảm biến theo dõi chuyển động và hành vi của chúng trong không gian 3D.

Ưu điểm chính trong hệ thống FreemoVR chính là thiết bị này cho phép động vật có thể di chuyển một cách tự do trong môi trường định sẵn. Sử dụng các phần mềm đặc biệt, các nhà nghiên cứu có thể điều chỉnh đồng thời trình chiếu những hình ảnh trực quan xây dựng từ các chuyển động và hành vi của động vật trong thời gian thực.

Đồng tác giả nghiên cứu, GS Andrew Straw từ Đại học Freiburg, Đức trao đổi với trang Seeker rằng: “Điều quan trọng nhất là lũ động vật thực sự di chuyển và nhận lại những phản hồi cơ học tương đương trong môi trường VR. Điều này thực sự quan trọng đối với các nghiên cứu về định vị và nhận thức không gian, bởi sẽ rất khó để nghiên cứu cách mà chúng cập nhật bản đồ tư duy trong khi di chuyển nếu các con vật không tin rằng chúng đang thực sự chuyển động”.

Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Nature Methods mô tả một loạt các thí nghiệm cho thấy động vật thí nghiệm bị thuyết phục bởi trải nghiệm thực tế ảo. Chúng phản ứng với các hình ảnh ảo như chúng đang phản ứng với các sự vật, hiện tượng trong thế giới thực. Trong thí nghiệm, các nhà khoa học đặt chuột lên một cái sàn được nâng cao với màn chiếu ở bên dưới. Màn chiếu tạo nên ảo giác về độ sâu, tạo ấn tượng rằng một đầu của sàn cao hơn so với bên còn lại. Kết quả cho thấy, chú chuột bị tác động bởi ảo giác về độ cao và dừng ở phần bên sàn trông thấp và an toàn hơn.

Trong thí nghiệm khác, một bể cá ngựa được đặt vào trong hệ thống FreemoVR trong khi các nhà khoa học trình chiếu hình ảnh 1 đoàn phi thuyền ngoài hành tinh hạ cánh trong game thả xèng cổ Space Invaders. Lũ cá phản ứng với đoàn phi thuyền đang đến như chúng là thật vậy, và thậm chí bắt chước các hành vi để nhập hội với đoàn phi thuyền này.

Mê hoặc lũ cá với trò chơi điện tử lỗi thời có vẻ là phương pháp khoa học kì lạ, song GS Straw cho rằng những thí nghiệm này có thể cho chúng ta biết nhiều hơn về cách mà động vật quan sát thế giới, cũng như cho ta biết về nhận thức của con người, đặc biệt là trong các nhóm lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ