Chuyện tình sắt son ở hai đầu giới tuyến và đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương

GD&TĐ - Về thôn Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), người dân vẫn nhắc về chuyện tình yêu của 2 chiến sĩ du kích và đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương.

Ông Nghi dắt tay bà Hoa đi trên cầu Hiền Lương để ôn lại kỷ niệm năm xưa.
Ông Nghi dắt tay bà Hoa đi trên cầu Hiền Lương để ôn lại kỷ niệm năm xưa.

Nửa thế kỷ trôi qua, câu chuyện về cuộc tình lãng mạn của 2 chiến sĩ du kích nảy nở bên vùng giới tuyến tạm thời Hiền Lương (Quảng Trị), giữa thời điểm bom đạn chiến tranh ác liệt là minh chứng sống động cho tình yêu vĩnh cửu, nghĩa tình sắt son và niềm tin, khát vọng thống nhất.

“Ở hai đầu nỗi nhớ…”

Về thôn Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), người dân vẫn nhắc đến câu chuyện tình yêu của 2 chiến sĩ du kích. Họ đã kiên định vượt qua nỗi nhớ nhung lẫn sự ngăn cách của bom đạn chiến tranh để đến với nhau trong niềm hạnh phúc.

Nhân vật trong câu chuyện là ông Hoàng Nghi (SN 1943), ở thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (phía Bắc sông Bến Hải) và vợ là bà Hoàng Thị Hoa (SN 1950), trú ở thôn Tam Hữu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (phía Nam sông Bến Hải).

Dù hơn 50 năm đã trôi qua, song ông Hoàng Nghi vẫn nhớ như in những cảm xúc về buổi đầu ông gặp gỡ bà Hoa rồi nảy sinh tình cảm thương mến.

Đó là những tình cảm sâu đậm khó diễn tả hết bằng lời, nhưng tình yêu ông dành cho bà Hoa vẫn nguyên vẹn suốt bao nhiêu năm. Cảm xúc lãng mạn ấy được ông lưu lại trong một cuốn sổ cá nhân, thỉnh thoảng ông và bà vẫn đưa ra để ôn lại kỷ niệm năm xưa.

Theo lời kể của ông Nghi, lúc đó miền Nam vẫn chưa giải phóng, ông Nghi là dân quân du kích thuộc Trung đội Hiền Lương, vừa tham gia sản xuất vừa bảo vệ cột cờ giới tuyến. Năm 1972, để bảo vệ tính mạng của người dân, chính quyền cách mạng có chủ trương đưa đồng bào một số vùng ở Triệu Phong và Hải Lăng ra sơ tán ở Vĩnh Linh (phía Bắc sông Bến Hải).

Bà Hoa là du kích xã Triệu Trung nhận nhiệm vụ đưa người dân và gia đình đi sơ tán. Do đối phương đánh phá ác liệt nên giao liên đưa đường tránh ra vùng Vĩnh Thủy, sau đó đoàn sơ tán đi tiếp ra Hiền Lương và ở lại một thời gian.

Trong thời gian này, gia đình bà Hoa ở lại nhà một người dân ở Hiền Lương. Bà cũng tham gia đào giao thông hào, hầm công sự. Ông Nghi làm đội trưởng sản xuất và dân quân nên quản lý công việc của mọi người.

Từ đây, ông Nghi nảy sinh tình cảm với bà Hoa. Do bị trúng bom, cha bà Hoa bị thương và được ông Nghi hỗ trợ đưa đi cấp cứu. Tình cảm của hai ông bà được nhân lên, người thân của bà Hoa cũng thương mến ông Nghi.

Thế nhưng, giữa hai người chưa có nhiều cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện thường xuyên thì bà Hoa và người thân tiếp tục đi sơ tán ở vùng Đông Vĩnh Linh.

Thời gian đầu, ông Nghi và bà Hoa có viết thư qua lại, hoặc nhắn gửi qua người quen. Nhưng về sau, bà Hoa trở về lại Triệu Phong thì hai ông bà mất liên lạc.

“Khi chúng tôi mất liên lạc, tình cảm bị gián đoạn khiến lòng tôi bất an xen lẫn nhớ nhung. Chưa có cơ hội biểu lộ tình cảm thì bà Hoa đã trở lại Triệu Phong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng. Tôi và bà Hoa mất liên lạc 6 tháng trời. Sau đó, qua một đơn vị bộ đội tôi mới biết bà Hoa và gia đình ở Đại Lộc, xã Triệu Đại. Tôi liên hệ với họ, nhờ đưa vào thăm gia đình và gặp lại người thầm thương trộm nhớ”, ông Nghi nhớ lại.

Bao nhiêu ngày nhớ nhung, những tưởng sẽ gặp lại người yêu, nhưng ông Nghi đành trở về trong sự thất vọng.

Lần thứ hai, ông Nghi lại cất công lên đường, và lần này hai người gặp lại nhau trong niềm hạnh phúc khó tả, nghẹn ngào nước mắt. Nhưng niềm vui ấy không kéo dài được bao lâu, bởi ông Nghi phải trở lại Vĩnh Linh. Trước khi đi, ông Nghi đã kịp trao cho bà Hoa tấm áo làm tin.

Tình cảm của ông Nghi dành cho bà Hoa vẫn bền chặt qua nửa thế kỷ.

Tình cảm của ông Nghi dành cho bà Hoa vẫn bền chặt qua nửa thế kỷ.

Đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương

Mối tình của ông Nghi và bà Hoa nảy nở bên vùng giới tuyến Hiền Lương, sau bao ngày xa cách, nhớ nhung đã đi đến một cái kết đẹp.

Lần gặp lại, để không bỏ lỡ cơ hội, ông Nghi đã dốc hết can đảm, nói ra tiếng lòng và được người yêu đón nhận.

Năm 1974, họ bước vào đời sống hôn nhân với sự ủng hộ của đôi bên gia đình. Ngày rước dâu, xe chở bà đến chân cầu Hiền Lương, ông Nghi đón bà Hoa đi bộ qua cầu trong sự chứng kiến của họ hàng. Đây là đám rước dâu đầu tiên đi qua cây cầu Hiền Lương lịch sử.

Cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải - ranh giới tạm thời chia cắt hai miền đất nước lần đầu chứng kiến hạnh phúc, niềm vui sum họp của đôi vợ chồng trẻ, như là tín hiệu về ngày thống nhất non sông một năm sau đó.

Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, niềm vui lại nhân lên khi ông bà đón đứa con trai đầu lòng. Ông Nghi đặt tên con là Hoàng Hiền (Hiền trong Hiền Lương - quê cha). Tiếp đó, năm 1976, người con trai thứ hai ra đời được đặt tên Hoàng Hữu (Hữu trong Tam Hữu - quê mẹ). Hai ông bà có tất cả năm người con, ba con trai và hai con gái.

Đến nay, thỉnh thoảng ông Nghi, bà Hoa vẫn dẫn dắt nhau lên cầu Hiền Lương ôn lại kỷ niệm của 50 năm trước trong niềm xúc động. Với ông Nghi, bà Hoa, đám cưới qua cầu Hiền Lương không chỉ là hạnh phúc của đôi uyên ương, mà còn là niềm vui của đất nước khi đôi bờ không còn cách trở.

Bà Hoa nhớ lại, hồi đó hoàn cảnh khó khăn, lễ cưới của ông bà rất đơn sơ, chỉ có nước chè xanh, chút bánh kẹo.

“Mình từng nghĩ rằng đi dân quân du kích bom đạn như vậy không thể nào sống nổi mà gặp nhau. Thống nhất lấy được nhau rồi rất sung sướng. Nhớ kỷ niệm thì thỉnh thoảng chúng tôi cùng nhau ra cầu ôn lại. Hai ông bà dắt nhau cùng con cháu ra đó chơi, để chúng biết xưa ông bà cưới hỏi như thế nào”, bà Hoa kể.

Vào năm 2004, cây cầu lịch sử Hiền Lương tiếp tục chứng kiến thêm một đám cưới hạnh phúc của gia đình ông Nghi. Ông bà tổ chức đám cưới cho anh Hữu - người con trai thứ hai và rước dâu từ bờ Nam qua cầu Hiền Lương. Anh Hữu cưới vợ là chị Trần Thị Thu Huệ ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh ở bờ Nam. Cuộc đoàn viên hạnh phúc của hai thế hệ trong một gia đình cùng diễn ra trên cây cầu giới tuyến lịch sử, như là minh chứng cho sự gắn kết sắt son đôi bờ Nam - Bắc, cũng như khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.