Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người đã thực hiện lộ trình tách mình ra khỏi Nga và CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể) cũng như xích lại gần các cơ cấu chính trị quân sự phương Tây, đặc biệt là Pháp, đã tạo ra sự chia rẽ trong giới tinh hoa địa phương.
Theo một số nguồn tin, những quan chức cao cấp trong chính phủ không hài lòng với tình hình hiện tại có thể tiến hành một cuộc đảo chính để nắm quyền lực trong nước về tay mình.
Cụ thể là cựu lãnh đạo bộ quốc phòng Armenia Arshak Karapetyan, người đã bị Thủ tướng Nikol Pashinyan cách chức hồi tháng 11/2021 vì lập trường thân Nga, đã tuyên bố bắt đầu hành động bất tuân, với mục tiêu là muốn nội các của ông Nikol Pashinyan phải từ chức.
Vào ngày 6 tháng 3 năm nay, ông Karapetyan quyết định tái tổ chức phong trào “Mặt trận toàn Armenia” thành một đảng chính trị, trước sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng Armenia đối với phong trào do ông khởi xướng, sẵn sàng tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị tích cực và mong muốn lên nắm quyền thông qua đấu tranh đảng phái.
“Nikol Pashinyan cùng với toàn bộ bộ máy của mình nên bị xét xử vì tội phản quốc, họ không được phép từ chức” - Cựu Bộ trưởng Karapetyan nói và “mời tất cả các bên liên quan tham gia bước đi này của ông”.
Ông cũng cam kết sẽ phát động một phong trào chính trị nhằm “giải phóng Armenia khỏi một nhóm kẻ hèn nhát và nghiệp dư” đang nắm quyền, sau cuộc xung đột ngắn hồi tháng 10/2023, dẫn đến việc Nagorno Karabakh rơi vào tay Azerbaijan.
Giới phân tích cho rằng, không thể loại trừ một kịch bản mạnh mẽ về sự thay đổi quyền lực ở Yerevan trong những ngày tới, bởi rõ ràng là các thành viên có ảnh hưởng của cộng đồng người Armenia hải ngoại cũng đang lên tiếng chỉ trích chính quyền đương nhiệm về việc quá nhân nhượng Azerbaijan, dẫn đến mất mát một phần rất lớn lãnh thổ.
Dư luận trong nước cũng rất sôi sục phản đối việc chính quyền Nikol Pashinyan tiến hành phân định biên giới với Azerbaijan vào hôm 23/4 vừa qua, dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối đang diễn ra khắp đất nước, dẫn tới nguy cơ bạo loạn là rất dễ xảy ra.
Hôm 24/4, nguồn tin trực tuyến 168.am và các cổng thông tin địa phương của Armenia đưa tin, những người biểu tình Armenia đang cố gắng chặn con đường dẫn đến trạm kiểm soát ở biên giới với Gruzia, yêu cầu dừng quá trình phân định và chuyển giao lãnh thổ biên giới cho Azerbaijan.
Thậm chí, trong số những người tham gia biểu tình còn có Đức Tổng Giám mục Bagrat Galstanyan, người đứng đầu giáo phận Tavush của Giáo hội Tông đồ Armenia, tỉnh phía bắc Armenia giáp với vùng Ganja-Gazakh của Azerbaijan, có tới 8 ngôi làng sắp bị chính quyền Yerevan bàn giao cho phía Baku.