Học phí y khoa tại Ấn Độ tăng gấp đôi trong 10 năm

GD&TĐ - Ngoài 108 trường y khoa do Chính phủ Ấn Độ quản lý, chi phí giáo dục y tế tại nước này vô cùng đắt đỏ.

Chi phí giáo dục y tế tại Ấn Độ ngày càng đắt đỏ.
Chi phí giáo dục y tế tại Ấn Độ ngày càng đắt đỏ.

Các chuyên gia cảnh báo chi phí này có thể tăng gấp đôi trong những năm tới.

Theo dự đoán của công ty dịch vụ tài chính Ấn Độ, Anand Rathi, chi phí giáo dục y tế nước này có thể tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.

Trong 10 năm qua, chi phí giáo dục y khoa ở Ấn Độ đã tăng 11 - 12%, tốc độ gấp đôi so với tỷ lệ lạm phát chung. Với mức tăng này, các chuyên gia ước tính trong thập kỷ tới, chi phí giáo dục sẽ tăng gấp đôi.

Ông Atul Thakkar, tác giả nghiên cứu, nhận định: “Trong thời đại hiện nay, bằng cấp MBBS thông thường không đáp ứng được mục tiêu nghề nghiệp của người trẻ. Họ thường tốn thêm tiền cho chương trình sau đại học. Như vậy, một sinh viên phải chi hàng chục triệu rupee để trở thành một bác sĩ chuyên khoa”.

Có nhiều nguyên nhân khiến học phí y khoa tại Ấn Độ ngày càng đắt đỏ. Trong đó, nguyên nhân phổ biến đến từ việc cung không đủ cầu. Chính phủ Ấn Độ hiện nay quản lý 108 trường y khoa công lập. Ước tính, chỉ tiêu của các trường này hàng năm là 68 nghìn suất nhưng số lượng thí sinh nộp đơn luôn vượt quá một triệu người.

Thí sinh đổ xô vào trường y nói chung và trường y công lập nói riêng vì bác sĩ là một trong những công việc ổn định, được kính trọng trong xã hội Ấn Độ. Các trường công lập có học phí phải chăng. Những sinh viên khó khăn sẽ được trao học bổng từ chính phủ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí học tập.

Tuy nhiên, do tỷ lệ cạnh tranh cao nên mỗi năm, hàng trăm nghìn thí sinh không trúng tuyển vào các trường y khoa công lập. Họ chuyển sang 600 trường tư thục với chi phí ít nhất là gấp đôi so với chi phí trường công.

Mức phí đắt đỏ này một phần do theo quy định của Chính phủ Ấn Độ, mỗi trường y phải có một bệnh viện trong khuôn viên trường. Bệnh nhân tại bệnh viện trường đại học sẽ được trợ giá khám chữa bệnh. Để có thể trợ giá cho bệnh viện, các trường tư thục không được chính phủ hỗ trợ sẽ phải tăng học phí của sinh viên.

Chi phí tư thục cao khiến nhiều sinh viên trượt công lập lựa chọn học tập ở các nước có thế mạnh đào tạo y khoa không quá tốn kém như Nga, Ukraine, Trung Quốc, Đức... Ước tính, hơn 30 nghìn sinh viên Ấn Độ du học y khoa trong năm 2023.

Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng giảm chi phí giáo dục y tế bằng cách tăng số lượng tuyển sinh tại các trường y công lập. Tuy nhiên, số lượng thí sinh cũng tăng cao do dân số trẻ. Do đó, tình trạng thiếu chỉ tiêu trường công và học phí tư thục đắt đỏ sẽ còn tiếp tục trong thập kỷ tới.

Hiện nay, học phí của chương trình cử nhân Y khoa và cử nhân Phẫu thuật (MBBS) tại các trường y không thuộc chính phủ là 1 – 2,5 triệu ruppe. Chương trình sau đại học có chi phí lên đến 30 triệu rupee. Đến năm 2035, học phí hệ cử nhân có thể tăng lên 2 - 5 triệu rupee. Học phí hệ cao học chưa có dấu hiệu thay đổi nhưng trong tương lai có nguy cơ tăng.

Theo CNBCTV18

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.