Xin nhắc lại ba điều Bác đã dạy và còn giữ nguyên ý nghĩa thời sự/sống động cho hoạt động giáo dục của đất nước hôm nay.
Bồi dưỡng công dân thành “tiểu giáo viên”
Tháng 2/1947, Bác có chỉ thị: Xây dựng được “Gia đình học hiệu”, bồi dưỡng công dân thành “tiểu giáo viên”. Thời điểm này, sau toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) hơn một tháng về công tác Thanh Hóa, Bác yêu cầu địa phương này:
“Làm cho người nghèo thì đủ ăn
Người đủ ăn thì khá giàu
Người khá giàu thì giàu thêm
Người nào cũng biết chữ
Người nào cũng biết
Đoàn kết, yêu nước”
Bác căn dặn: “Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được, chớ làm kế hoạch đẹp mặt to tát nhưng không thực hiện được”. Bác giao cho cụ Lê Thước (nhân sĩ khả kính) và ông Đặng Thai Mai (từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục) với sự gợi ý tìm thêm các vị khác có uy tín xã hội lập ra Ban Văn hóa với trách nhiệm: Xây dựng được các “Gia đình học hiệu”, bồi dưỡng người dân thành “tiểu giáo viên”. Bác ứng từ quỹ của Chính phủ cho Thanh Hóa số tiền 100.000 đồng (là số tiền có giá trị lúc đó) để triển khai việc này và giao cho cụ Lê Thước quản lý số tiền trên.
Như chúng ta biết, phải đến cuối thế kỷ 20, Learning family (Gia đình học tập/Gia đình học hiệu, Gia đình là một nhà trường), vấn đề mỗi công dân được giáo dục thành người thầy giáo cho bản thân mình mới được UNESCO quảng bá rộng rãi. Như vậy, minh triết giáo dục ở lĩnh vực giáo dục không chính quy do Hồ Chí Minh đề xuất theo các khía cạnh vừa nêu, ít nhất đã đi trước UNESCO nửa thế kỷ.
Ngày nay, ở nước ta, các cộng đồng đều có phong trào bình chọn Gia đình văn hóa, Gia đình hiếu học. Các thiết chế của giáo dục thường xuyên (GDTX) cần hỗ trợ cho ngành văn hóa làm việc này đạt tới thực chất hơn, chống các hiện tượng đi vào bề nổi với động cơ vụ thành tích. Cần tổng kết có tính khoa học (tổng kết kinh nghiệm giáo dục tiên tiến), lựa chọn các gia đình có nhiều thành công khuyến khích con em lập nghiệp rồi phổ biến rộng rãi ra cộng đồng.
Xã hội chia sẻ giáo dục
Ngày 4/10/1945, Bác có lời kêu gọi “Nâng cao dân trí”. Đọc lời kêu gọi này trong cuộc sống hiện nay có cảm xúc như đang tiếp nhận một mệnh lệnh thôi thúc để GDTX tổ chức các chương trình hành động kiến tạo được “Xã hội chia sẻ giáo dục” trong hoàn cảnh mới. Lời kêu gọi có đoạn:
“Quốc dân Việt Nam!
Muốn giữ vững nền độc lập
Muốn làm cho dân mạnh nước giàu”.
Mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây phong trào truyền bá Quốc ngữ giúp đồng bào thất học.
Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ, hàng xóm láng giềng…
Phụ nữ lại càng phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử. Công việc này mong anh chị em thanh niên sốt sắng giúp sức (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, tr 40, 41).
Nếu vận dụng nội dung lời kêu gọi này cho cuộc sống hôm nay, cuộc sống được các nhà kinh tế giáo dục đặt ra yêu cầu: Kiến tạo được nền kinh tế chia sẻ, nền giáo dục chia sẻ, thì ý tưởng của Bác còn giữ nguyên tính cổ vũ để đất nước hiện thực được các mục tiêu tiến vào bối cảnh có tác động Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngày nay, mỗi người trong cuộc sống của mình phải đồng thời làm tròn được cả ba vai trò: Người dạy (thầy), Người học (trò), Người bạn của nhau giúp nhau thấm nhuần được đạo lý, tuân thủ được pháp lý, trân trọng với công lý, kịp thời nắm vững các công nghệ kỹ thuật tiên tiến (đặc biệt tin học) và loại trừ được các kiểu sống độc hại, lạc điệu, phi văn hóa trong đời sống chung.
Con người là trung tâm và là chủ thể. Mỗi cá nhân phải 3 trong 1: Vừa là trò - học, thầy – dạy và quan trọng nhất là bạn – chia sẻ. Gia đình là nền tảng phát triển của xã hội. “Núi sông dễ chuyển, bản tính khó dời”, tính cách con người được hình thành trước 8 tuổi, cái tuổi phụ thuộc chủ yếu vào nền giáo dục của gia đình. Phải thiết kế đổi mới từ gia đình hiếu học lên gia đình chia sẻ - dạy - học. Ông có thể dạy cháu về cách sống, nhưng cháu lại dạy ông tiếng Anh và cùng nhau chia sẻ một trò chơi.
Đời sống xã hội ngày nay tuy còn những điều chưa thật hài lòng, song các tấm lòng cao cả cho phát triển sự nghiệp GDTX không quá trống vắng. Mong mỏi người có trách nhiệm với thiết chế GDTX sớm bắt được sóng từ các tấm gương có tính tích cực và nhân lên rộng rãi để công cuộc tam hóa giáo dục thành công: Tam hóa giáo dục là đề xuất của Viện Trí Việt trong bối cảnh đẩy mạnh đổi mới giáo dục, bao gồm: Hiện đại hóa được tinh hoa giáo dục của tiền nhân trước trạng thái mới; Việt Nam hóa các giá trị tiên tiến của thời đại vào dòng chảy tổ chức sư phạm; Lành mạnh hóa đời sống giáo dục đang diễn ra.
Trở thành người công dân đúng đắn
Ngày 2/9/1948, kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 3, Bác Hồ có bức thư đầy ân tình gửi cán bộ BDHV. Người mong mỏi họ thực hiện được nội dung phương pháp bồi dưỡng để học viên trở thành người công dân đúng đắn.
Bức thư có nội dung: “Cùng các bạn chiến sĩ BDHV, nhân dịp kỷ niệm Ngày độc lập, tôi gửi lời thân ái chúc mừng và khen ngợi các bạn. Từ ngày nước ta độc lập, các bạn đã luôn luôn hăng hái và cố gắng. Sự cố gắng đó đã có thành tích tốt đẹp là: Trong ba năm, đã có gần 8 triệu đồng bào thoát nạn mù chữ. Trong phong trào Thi đua ái quốc, tôi mong các bạn cũng hăng hái xung phong. Vùng nào còn sót nạn mù chữ, thì các bạn cố gắng thi đua diệt cho hết giặc dốt trong một thời gian mau chóng.
Vùng nào đã hết nạn mù chữ, thì các bạn thi đua để tiến lên một bước nữa, bằng cách dạy cho đồng bào: Thường thức vệ sinh, để dân bớt đau ốm; Thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm; Bốn phép tính, để làm ăn có ngăn nắp; Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca), để nâng cao lòng yêu nước; Đạo đức của công dân, để thành người công dân đúng đắn; Các bạn hãy làm cho được chừng ấy đã, sau chúng ta sẽ tiến lên cao hơn…”.
Lời Bác dạy đã qua hơn 71 năm vẫn còn giữ nguyên tính thực tiễn trong cuộc sống hôm nay. GDTX đã biết phối hợp hình thức giáo dục khác tạo nên nhiều hình thức học tập hiệu quả. Các trung tâm học tập cộng đồng được triển khai trên mọi vùng đất nước. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng đã đạt những thành tựu ấn tượng.
Tuy nhiên sự tổng kết các kinh nghiệm tiên tiến của thiết chế này chưa được chú ý đúng mức. GDTX phải làm tốt việc này. Sự phát triển GDTX của nước ta trong bối cảnh hiện nay cần đặt trọng tâm vào vấn đề tổ chức sư phạm và kinh tế xã hội, mô hình Người công dân học tập, Dòng họ học tập, Tổ chức học tập, các mô hình mà trong đó mỗi thành viên thực hiện được 4H/Học – Hỏi – Hiểu – Hành. Đó là lời dạy của Bác Hồ cho Trường Đảng cao cấp khi Người đến dự lễ khai giảng tháng 9/1949.
Có thể nói, sự nghiệp giáo dục BDHV trước đây và ngày nay sự nghiệp GDTX đã đạt biết bao thành tựu trong việc xây dựng người công dân biết: Yêu nước – Yêu lao động – Dũng cảm – Tự trọng. Yêu nước – Yêu lao động – Dũng cảm, Bác nói ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Tự trọng Bác nói năm 1947 trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Xin nhắc đến sự kiện: Năm 1927 tổ chức lớp huấn luyện ở Quảng Châu, Bác lấy tên là Lý Thụy và đặt tên người học viên ưu tú của lớp là Lý Tự Trọng.
Công cuộc đổi mới đất nước vẫn cần tiếp tục bồi dưỡng cho người công dân giữ gìn được nhân tính, kiên trì được quốc tính, khẳng định được cá tính lành mạnh trên nền tảng 4 phẩm chất mà Bác đã nêu. GDTX dù đang được hiểu là “Giáo dục tiếp tục” hay “Giáo dục không chính quy” đều phải tác động vào mỗi con người giúp họ thụ hưởng: “Giáo dục Thường xuyên/ Đào tạo liên tục/ Học tập suốt đời”. Điều đó có hàm ý: GDTX giúp cho con người luôn luôn có sự cải thiện con tim, đôi tay, bộ óc, xác định nhu cầu sống hợp lý biết nâng cao năng lực sống và mở rộng cơ hội sống một cách lành mạnh.