Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

Huy động sức mạnh tổng hợp tham gia xây dựng XHHT

Xác định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền… Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; Tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị: Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị số 11-CT/TW và Kết luận số 49-KL/TW trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, hoàn thành trong quý II năm 2020.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lồng ghép chuyên đề về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng XHHT trong chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở GD&ĐT theo phạm vi quản lý. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiện toàn bộ phận chỉ đạo công tác xây dựng XHHT ở địa phương theo hướng thiết thực, hiệu quả; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập. Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020” và đề xuất định hướng, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng XHHT giai đoạn tiếp theo, hoàn thành trong quý IV năm 2020.

Đa dạng các mô hình học tập

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan: Rà soát, hoàn thiện quy chế kiểm tra, công nhận kết quả học tập giáo dục thường xuyên; liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. 

Tăng cường hợp tác xây dựng, kết nối, chia sẻ tài nguyên giáo dục mở; Việt hóa các nguồn tài nguyên giáo dục mở quốc tế; xây dựng và mở rộng các kênh và công cụ học tập, chú trọng các hình thức, nội dung, chương trình, phương pháp học trực tuyến. Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng XHHT, phát triển giáo dục mở, đào tạo từ xa, trực tuyến và kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Rà soát, củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, các thiết chế văn hóa ở cơ sở và bảo đảm các nguồn lực để các cơ sở, các thiết chế này hoạt động có hiệu quả, bền vững; đồng thời rà soát, củng cố và kiện toàn tổ chức, hoạt động của Hội khuyến học trên địa bàn. 

Tăng cường cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc cung ứng các chương trình học tập thường xuyên, suốt đời cho mọi người. Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo Hội khuyến học các cấp củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội và hội viên để phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển XHHT.

Bộ GD&ĐT ban hành và hướng dẫn thực hiện chương trình, tài liệu dạy học xóa mù chữ; hoàn thiện, nâng cấp phần mềm Hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đẩy mạnh việc thực hiện bồi dưỡng theo vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. 

Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương mở rộng các hình thức giáo dục nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, công ty, dạy nghề gắn với sản xuất và dạy nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho công nhân, người lao động. UBND cấp tỉnh rà soát, cập nhật thông tin về người mù chữ trên Hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, xóa mù chữ bảo đảm đúng quy định pháp luật về kiểm tra công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ.

Đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài

Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các chính sách để tăng cường huy động và đa dạng hóa các nguồn lực xã hội thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; nghiên cứu, đề xuất cơ chế miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp tham gia các hoạt động giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời. 

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; chính sách đào tạo tài năng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức và phát triển nhân tài cho đất nước. Nghiên cứu, đề xuất tiêu chí đơn vị học tập ở cấp huyện, cấp tỉnh, ở cơ quan, đơn vị và tiêu chí tỉnh học tập, thành phố học tập dành cho Việt Nam; đẩy mạnh việc xây dựng cộng đồng học tập cấp xã tại các địa phương.

Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí công dân học tập; tiếp tục thực hiện Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030. 

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm: Rà soát quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân được tiếp cận hoặc tạo ra những cơ hội học tập cho mọi người dân. 

Từng bước xây dựng mô hình đơn vị học tập trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng mô hình tỉnh học tập, thành phố học tập. Có chương trình, kế hoạch hỗ trợ công tác xóa mù chữ, bảo đảm nguồn kinh phí để thực hiện các mục tiêu xóa mù chữ theo Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng XHHT của địa phương.

Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp về vai trò, vị trí quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng XHHT; về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đã nêu trong Chỉ thị và Kết luận của Trung ương. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.