(GD&TĐ) - Ngành Giáo dục vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
Chương trình đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2020, 80% thanh niên là học sinh được giáo dục hướng nghiệp; Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và ĐH đạt khoảng 70%; Tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân vào khoảng 256; Có ít nhất 80% thanh niên được trang bị kỹ năng sống, kiến thức bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình;
Hàng năm, 90% thanh niên thuộc lứa tuổi học sinh, sinh viên được học nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan đến đời sống, học tập; phấn đấu sau năm 2016, đạt trên 99%;
Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở THCS là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT hoặc tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học; tỷ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở lên đạt 98%. Đảm bảo tỷ lệ người biết chữ bằng nhau giữa nam và nữ. Ưu tiên xóa mù chữ cho đối tượng nữ vùng khó khăn trong độ tuổi thanh niên.
Phấn đấu có 5% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên vào năm 2015 và đạt 30% vào năm 2020.
Thực hiện mục tiêu này, chương trình đưa ra nhiều giải pháp. Đáng lưu ý, vào giai đoạn 2 (2016 – 2020) sẽ xây dựng chính sách, chế độ tiền lương và thu nhập hợp lý cho các cán bộ trẻ mới ra trường làm giáo viên, cán bộ viên chức trong ngành Giáo dục đủ đảm bảo đời sống để yên tâm công tác, nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng các học sinh, sinh viên, cán bộ trẻ có đủ điều kiện để kết nạp Đảng. Tăng cường xây dựng, bổ sung các chế độ chính sách cho các thanh niên, thiếu niên khuyết tật, HSSV là người dân tộc và thuộc các nhóm yếu thế khác để đảm bảo quyền được học tập, bồi dưỡng kiến thức và tiếp cận các hoạt động giáo dục khác...
Lập Phương