Hai video clip quá giống nhau: Người chồng thẳng tay tát, đá vợ, trong khi người vợ vẫn đang ôm con nhỏ, ngay trước mặt đứa con lớn cũng chỉ chừng 6 - 7 tuổi.
Thương những người phụ nữ bị người lẽ ra là đầu gối tay ấp hành hạ dã man, lại thương những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh bố đánh mắng mẹ. Bạo lực bằng cả hành vi lẫn tinh thần, với chính những người thân yêu nhất của mình. Vết thương nào sẽ còn lại với những người vợ, những đứa con như thế?
Gia đình nào cũng có lúc bát đĩa xô lệch, nhưng dùng bạo lực với người vợ yếu thế hơn là sự hèn hạ không thể tha thứ.
Người vợ ở Hà Nội sau đó trải lòng: Thói vũ phu của chồng có từ lâu nhưng thương con, thương bố mẹ nên chị im lặng. Chị thường xuyên xem những video clip phụ nữ bị chồng bạo hành và rất bức xúc, không ngờ có ngày mình lại thành nạn nhân.
Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố giữa tháng 9/2018: Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì có một người (34%) cho biết đã bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình hiện đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9%.
Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng – thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức kể trên. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng.
Còn theo một báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, từ năm 2012 đến hết 2017 cả nước xảy ra trên 139.000 vụ bạo lực gia đình.
Nhìn những còn số mới thấy rùng mình vì bạo lực gia đình quá phổ biến. Cũng như người vợ nói trên, hẳn nhiều người nghĩ bạo lực gia đình là chuyện ở đâu đó, chuyện của người khác, cho tới khi nó xảy ra với chính bản thân mình, chính người thân của mình. Nó có thể xảy ra ở mọi nơi, trong những gia đình kinh tế khó khăn nhất, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hay trong những gia đình kinh tế khá giả, ở thành phố, ở ngay Hà Nội, và với những người có trình độ văn hóa, như hai vụ vừa qua.
Bất bình đẳng giới hóa ra vẫn còn rất sâu sắc ngay cả khi chúng ta bước vào thời đại 4.0. Nhận thức pháp luật của nhiều người vẫn quá thô sơ khi cho rằng gia đình có chuyện thì phải “tự xử”, tự “đóng cửa bảo nhau”, cộng đồng e ngại khi can thiệp, hay đổ lỗi cho nạn nhân kiểu “có làm sao thì mới bị đánh”. Đến lúc phải cấp bách nâng cao nhận thức và hành vi cho mọi người dân rằng không thể chấp nhận bạo lực gia đình dù dưới hình thức nào. Nhờ Internet và công nghệ mà có những sự việc bung ra toàn xã hội, nhưng theo con số thống kê thì còn bao nhiêu người vợ phải âm thầm chịu đựng bởi những định kiến về gia đình, con cái, điều tiếng xã hội vẫn còn bám rễ?