Gây mâu thuẫn kéo dài, cha mẹ đang bạo hành tinh thần con trẻ

GD&TĐ - Hình ảnh người chồng xông vào đánh túi bụi vợ đang bế đứa con nhỏ trong khi đứa con trai lớn thản nhiên chứng kiến như thể là chuyện thường ngày trong clip đang lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ. 

Chồng đánh vợ được camera an ninh trong gia đình ghi lại.
Chồng đánh vợ được camera an ninh trong gia đình ghi lại.

Theo những hình ảnh được camera an ninh trong gia đình ghi lại vào tối ngày 20/8, khi người vợ bế con nhỏ đứng ngoài cửa thì người chồng vùng đứng dậy lao ra tát tới tấp vào mặt vợ rồi mắng: "Tao nói cho mày biết. Tao nhịn mày nhiều rồi đấy". Sau đó tiếp tục dùng chân đá vào người và đánh vào mặt dù người vợ cố gắng đưa tay đỡ.

Trong khi đó, cậu con trai nhỏ ngồi ở ghế xem ti vi cũng chỉ im lặng quay lại chứng kiến bố đánh mẹ chứ không phản ứng gì.

Bị chồng hành hung, người vợ cất tiếng gọi người thân trong nhà. Lúc này, người chồng vẫn còn vùng vằng chửi mắng vợ, rồi liên tục đưa tay lên dọa đánh.

Tưởng chừng sự việc đã dừng lại nhưng khi người vợ bế con nhỏ định tiến vào nhà ông chồng bất ngờ vung tay tung cái tát trời giáng lên mặt vợ. Thấy ồn ào, một người phụ nữ trong nhà chạy ra can ngăn thì sự việc mới tạm thời dừng lại.

Chỉ sau ít giờ đăng tải, đoạn clip trên đã nhận về hàng ngàn bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng.

Nhiều người bức xúc đặt câu hỏi: "Những cú đấm, cái tát, câu chửi đó sẽ giúp đứa trẻ học được gì, hay chỉ gieo vào tâm hồn thơ dại ấy những ám ảnh về bạo lực?"...

Dù chưa rõ nguyên nhân sự việc nhưng tất cả đều kịch liệt phản đối, lên án gay gắt hành vi bạo hành của người chồng, cho rằng việc anh đánh đập người vợ trước mặt 2 con nhỏ là không thể chấp nhận được.

Chả lẽ họ không hiểu rằng, đứa con mới là người chịu đau nhiều nhất? Bản thân là nạn nhân của bạo lực gia đình, chẳng nhẽ người mẹ lại muốn con trai mình tiếp tục reo rắc điều này lên những phụ nữ khác?

Những vụ bạo hành trên có thể cho thấy, cha mẹ chỉ thoả mãn cảm xúc của chính mình, còn hoàn toàn bỏ mặc trẻ...

Số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Không ít ông chồng sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ vì những lý do hết sức nhỏ nhặt.  Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng đánh mắng nhau giữa đường phố, trước mặt con... mặc trẻ khóc lóc, sợ hãi.

Theo các chuyên gia tâm lý, về bản chất, đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ, nó như một bản sao của gia đình, càng bé, sự ảnh hưởng này càng lớn. Chưa kể, trẻ có xu hướng thích bắt chước, nếu thấy cha mẹ bạo lực, nó ghi nhớ và đối xử với mọi thứ xung quanh nó bằng thái độ như vậy.

Trẻ nhỏ (thường dưới 7 tuổi) khi thấy cha mẹ đánh nhau sẽ không thể hiểu chuyện gì, nó nhìn hiện tượng nhưng không biết bản chất. Và điều đó khiến đứa bé vô cùng lo lắng, sợ hãi. Vì trong nhận thức của trẻ tuổi đó, cha mẹ là người bao bọc, chở che, yêu thương mình thì giờ đây họ đang hằn học, bạo hành nhau. 

Lớn một chút, nhưng chưa phát triển hoàn thiện nhận thức, thấy cha mẹ đánh nhau, con trẻ luôn nghĩ nguyên nhân xuất phát từ chúng, trẻ không thể hiểu cha mẹ đánh nhau vì kinh tế, đánh nhau vì quan hệ ngoài luồng.

Những hành động đó dưới con mắt non nớt của trẻ sẽ ghi dấu ấn, có khi cả đời không thể quên và ảnh hưởng nặng nề về thế chất, tinh thần trẻ. Trẻ sẽ hung hãn, thu mình, tiếp xúc, học tập khó khăn… tùy theo tính cách, tư duy.

Theo nghiên cứu, những đứa trẻ vô cảm, thích dùng bạo lực, hay đánh vợ đánh chồng thường xuất phát nhiều từ gia đình không hạnh phúc, mâu thuẫn đánh cãi vã nhau nhiều.

Gia đình vốn được coi là tổ ấm, là nơi “tránh bão”. Nhưng với câu chuyện đau lòng trên thì rõ ràng nhiều người đang phải đối diện với “bão táp gia đình” trước khi tránh được “bão táp cuộc đời”.

Những mối quan hệ gia đình đang bị rạn nứt, cách ứng xử không tôn trọng nhau của người lớn đã biến gia đình thành nơi gieo mầm bạo lực, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý trẻ thơ. 

Việc tranh cãi trong gia đình là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi có trẻ nhỏ, người lớn cần hạn chế tranh cãi trước mặt con, hoặc khi biết trẻ nhìn thấy, nhận thấy tranh cãi giữa cha mẹ, người lớn cần giải thích cho con hiểu.

Nếu trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên giải thích theo ngôn ngữ dễ hiểu, còn khi trẻ đã trưởng thành, cần coi trẻ như một thành viên lớn tuổi và hỏi ý kiến của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.