WHO khuyến cáo không nên dùng Molnupiravir cho tất cả mọi người

GD&TĐ - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết người trẻ và người có sức khỏe tốt, trong đó có trẻ em, phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú... không nên sử dụng thuốc Molnupiravir vì có thể có hại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

WHO vừa đưa ra bản cập nhật hướng dẫn về phương pháp điều trị Covid-19 để đưa vào khuyến nghị có điều kiện về Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus mới.

Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được đưa vào hướng dẫn điều trị Covid-19. Đây là một loại thuốc mới nên còn ít dữ liệu về độ an toàn.

WHO khuyến nghị giám sát tích cực về tính an toàn của thuốc, cùng với các chiến lược khác để giảm thiểu tác hại tiềm ẩn.

Theo đó, Molnupiravir chỉ nên được cung cấp cho những bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng (nguy cơ nhập viện cao nhất), bao gồm: Những người chưa tiêm vaccine Covid-19, người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mãn tính…

Trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên dùng thuốc. Những người sử dụng Molnupiravir nên có kế hoạch tránh thai và hệ thống y tế phải đảm bảo khả năng tiếp cận với xét nghiệm mang thai và các biện pháp tránh thai tại điểm chăm sóc.

Molnupiravir được dùng dưới sự giám sát của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mỗi lần dùng 4 viên (tổng 800mg), hai lần mỗi ngày, trong 5 ngày. Thuốc cũng được dùng trong vòng 5 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng. Khi được sử dụng càng sớm sau khi bị nhiễm trùng càng tốt, nó có thể giúp ngăn ngừa nhập viện.

Khuyến cáo được đưa ra dựa trên dữ liệu mới từ 6 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với 4796 bệnh nhân. Đây là bộ dữ liệu lớn nhất về loại thuốc này cho đến nay.

Kết quả thử nghiệm cho thấy Molnupiravir giúp giảm nguy cơ phải nhập viện, với tỷ lệ giảm 43 ca trên 1.000 bệnh nhân có nguy cơ cao, cũng như giúp giảm nhanh các triệu chứng bệnh chỉ trong thời gian trung bình 3,4 ngày. Về ngăn ngừa nguy cơ tử vong, thuốc cho thấy ít hiệu quả hơn, chỉ giảm được 6 ca trên 1.000 bệnh nhân trở nặng.

WHO thừa nhận, các vấn đề chi phí và nguồn cung là những trở ngại trong việc tiếp cận thuốc Molnupiravir đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình.

WHO cho biết thêm, có những lo ngại về thuốc Molnupiravir của Merck khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chưa cấp phép sử dụng cho người dưới 18 tuổi vì sản phẩm có thể ảnh hưởng đến phát triển xương khớp.

Cùng với khuyến nghị về Molnupiravir, bản cập nhật thứ 9 của WHO về phương pháp điều trị bao gồm bản cập nhật về casirivimab-imdevimab, một loại hỗn hợp kháng thể đơn dòng. Dựa trên bằng chứng cho thấy sự kết hợp thuốc này không hiệu quả đối với biến thể Omicron đang được quan tâm. WHO hiện khuyến cáo rằng thuốc chỉ được sử dụng khi nhiễm trùng do một biến thể khác gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.