Con đường vào ĐH “gian nan”
Thúy tâm sự, mình là học sinh cũ Trường THPT Vĩnh Bảo – Ngôi trường được nhận danh hiệu kỷ lục là trường THPT nông thôn có nhiều học sinh thi đỗ thủ khoa, á khoa các trường ĐH do Hội đồng Xác lập kỷ lục gia Việt Nam trao tặng.
Bố mẹ đều là công viên chức nhà nước cùng môi trường học giàu truyền thống khiến Thúy luôn nỗ lực hết mình để thực hiện mơ ước vào Học viện Ngoại giao
Nhưng rồi, điều tồi tệ nhất xảy ra, Thúy trượt ĐH nguyện vọng 1. Đó là quãng thời gian rất dài và khủng khiếp.
Rồi Thúy được các anh chị họ giới thiệu và động viên vào Trường ĐH Mỏ - Địa chất, chuyên ngành Địa chính, khoa Trắc địa. Thời gian ấy, vì lo lắng nên bố mẹ Thúy đã không nộp hồ sơ quan đường bưu điện mà đích thân vượt gần 130 km đến trường.
Dường như “số” vào ĐH gian nan: Đi xe máy nên lần thứ nhất đến trường thì hết giờ làm việc. Lần thứ hai, đi xe khách thì xe đi quá tốc độ nên bị giữ lại lập biên bản, khi đến trường cũng hết giờ làm việc.
Vì còn bận đi làm, không xin phép nghỉ nhiều nên bố mẹ Thúy đành gửi một anh hàng xóm gần nhà học trong trường nộp hồ sơ hộ. “Nhìn bố mẹ lúc ấy, em thấy có lỗi vô cùng mà không biết làm thế nào” – Thúy tâm sự.
Rồi sau hơn 3 tháng từ lúc thi xong ĐH, Thúy cũng nhận được giấy gọi nhập học. Năm đầu tiên, do còn bỡ ngỡ với cách học ở ĐH, rồi một phần chán chường bởi bản tính năng động, đam mê kinh doanh lại phải học một trường kỹ thuật, điểm của Thúy năm đầu tiên chỉ ở mức trung bình.
Bắt đầu từ năm thứ 2, quen cách học, nhận được sự động viên của thầy cô, hiểu hơn về nghề nghiệp tương lai, Thúy đã thực sự yêu thích nghề Địa chất, rồi thêm cả niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Tư chất thông minh cộng với sự nỗ lực, Thúy đã liên tục nhận được học bổng của trường. Kết quả là, đến kì 7/10 kì Thúy đạt điểm trung bình tích lũy xuất sắc 3.42/4.0, trong đó 2 kì gần đây nhất kết quả tích lũy đạt đến 4.0/4.0.
Tìm đam mê trong nghiên cứu khoa học
Chia sẻ kinh nghiệm học, Thúy cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là đi học đầy đủ, chú ý nghe giảng, sẵn sàng hỏi thầy cô, bạn bè nếu có vấn đề gì chưa hiểu; về nhà đọc thêm sách báo và làm bài tập. Một bí quyết quan trọng khác, đó là tham gia nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Đặc biệt lĩnh vực của Thúy là trắc địa, các thiết bị máy móc rất đắt tiền, với sinh viên không thể mua được, thuê ngoài thị trường cũng tiền triệu một ngày.
Thúy kể: Thầy hướng dẫn đã phải vất vả đi mượn và bảo lãnh máy móc cho sinh viên của mình nghiên cứu. Với trắc địa, đo được số liệu đã khó, nhưng xử lý số liệu ấy như thế nào lại càng khó hơn.Nhiều hôm thức trắng cả đêm để trăn trở với thuật toán của mình.
Nhưng khi tìm ra lời giải, thì thực sự rất vui,cảm giác như bao nhiêu mệt mỏi không còn, chỉ còn lại hạnh phúc mà thôi…Chính vì sự cố gắng đó, Thúy đã đạt giải nhất nghiên cứu khoa học và có bài viết được đăng trên tạp chí khoa học.
Gặp em ngày 8/3, Thúy rạng rỡ cho biết mình đã đi đúng hướng và cảm ơn “duyên phận” đã đưa em đến với ngành Địa chính. Vì mối cơ duyên này mà em sẽ nỗ lực nhiều hơn để đạt được nhiều thành công hơn nữa trong học tập và nghiên cứu khoa học.