Vượt khó tự tin thi đại học

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Gia Lai có 10 học sinh khuyết tật được miễn thi theo quy định mới của GD&ĐT. Nhưng để vào đại học thì các em vẫn phải bước qua cánh cửa trường thi.

Vượt khó tự tin thi đại học

Hiện nhiều em trong số đó đang miệt mài ôn tập cho kỳ thi vô cùng quan trọng, quyết định con đường tương lai. Dù còn nhiều khó khăn so với bạn bè đồng lứa, nhưng đa số các em đều tự tin khi bước vào kỳ thi này

“Sức khỏe không ảnh hưởng đến quá trình học tập”

Vượt khó tự tin thi đại học ảnh 1
Chia thời khóa biểu hợp lý cho việc ôn tập, em Trịnh Thị An cho biết rất tự tin bước vào kỳ thi đại học năm nay 
Có gương mặt sáng ngời, thông minh, nhưng đôi chân của em Trịnh Thị An-Trường THPT Lương Thế Vinh (thị trấn Kbang-huyện Kbang) lại không lành lặn như chúng bạn. 
Mẹ An kể, khi sinh em thiếu tháng, nặng vỏn vẹn chỉ 1,2 kg.  An lớn lên với đôi chân không cứng cáp như những đứa trẻ khác, việc đi lại phải trông cậy vào đôi nạng gỗ.
Mẹ An cho biết nuôi lớn An là một kỳ tích, nhưng em mới chính là người làm nên kỳ tích khi nhiều năm liền, luôn khiến bạn bè, gia đình tự hào bởi kết quả học tập đáng khâm phục. 

Năm học vừa qua, An đạt danh hiệu học sinh khá với điểm tổng kết 7,5 (hai năm lớp 10 và 11 điểm tổng kết của An là 7,6). Riêng các môn chọn thi đại học, An đều giành điểm xuất sắc: Tiếng Anh 8,9, Ngữ văn 7,2 và Toán 6,3.

An cho biết, năm nay em thi hai trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và Đại học Quy Nhơn khối A1 và D. “Mỗi ngày em học khoảng 7-8 tiếng. Buổi sáng là khoảng thời gian tỉnh táo nhất trong ngày, em dành để học môn toán-là môn mà em chưa an tâm lắm. Giải các dạng bài tập toán khó vào sáng sớm em thấy hiệu quả hơn và ghi nhớ lâu hơn.

Buổi chiều em đọc các sách về văn học và buổi tối dành thời gian cho Anh văn. Với ngoại ngữ, thỉnh thoảng em gọi điện trao đổi với cô giáo, mua thêm sách về học và siêng làm bài tập để ghi nhớ công thức. 

Khi gặp các từ mới và khó em ghi ngay vào một cuốn sổ tay, xem hàng ngày để ghi nhớ”-An chia sẻ thời khóa biểu ôn thi và cách học các môn thi đại học. Ngoài thời gian học tập, em cho biết còn giải trí bằng cách lên mạng xem tin tức hoặc đọc sách, báo.

Chỉ còn nửa tháng nữa là bước vào kỳ thi đại học năm nay, An chia sẻ, em không bắt ép bản thân phải học tập quá căng thẳng, bởi kiến thức đã được chuẩn bị kỹ càng trong ba năm học vừa qua. Cô học trò khuyết tật Trịnh Thị An khẳng định vững vàng:

“Sức khỏe không ảnh hưởng gì đến quá trình học tập của em. Em được bạn bè, thầy cô đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện nhiều mặt để ôn tập nên rất an tâm. Đến thời điểm này em rất tự tin và sẵn sàng để bước vào kỳ thi đại học năm nay. Từ giờ đến lúc thi, em chỉ củng cố, hệ thống lại kiến thức mà không đặt nặng việc ôn luyện”.

Cô Phạm Thị Kim Thu, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, bày tỏ niềm thán phục trước tinh thần vượt khó của An: “Tôi rất khâm phục em, suốt ba năm cấp 3 em không bỏ học ngày nào. Gia đình em ngày nắng cũng như ngày mưa đều cố gắng đưa em đến trường. Em học khá, rất hòa đồng với bạn bè. Nhà trường rất hy vọng em sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH sắp tới”.

Vượt khó tự tin thi đại học ảnh 2 Đinh Trần Lâm: "Em tự tin vào 80% khả năng đậu đại học".

Tự tin vào 80% khả năng đậu đại học 

“Học khá, tự tin, hòa đồng” cũng là những cảm nhận của thầy cô, bạn bè dành cho  em Đinh Trần Lâm, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh), dù em chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè vì đôi chân khiếm khuyết.

Lâm cho biết, bố mẹ em đều là nông dân, gia đình có 3 anh em thì Lâm và đứa em kế đều bị tật bẩm sinh ở chân. 
Bình thường, Lâm chỉ đi bộ được khoảng 5-10 mét là không thể gượng được nữa. Dù vậy, khi nói về cậu học trò Đinh Trần Lâm, thầy Ngô Xuân Tiến, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thái Học, tự hào nhận xét:

 “Tuy đi lại khó khăn nhưng Lâm rất chăm học. Em may mắn có một người bạn cùng trường đưa đón đi học, một “đôi bạn cùng tiến”. Cả 3 năm cấp 3 em luôn là học sinh khá của trường”. Năm học 12, điểm trung bình của Lâm đạt 7,1.

Cậu học trò trường huyện cũng chia sẻ những dự định cho kỳ thi đại học sắp tới: Thi vào ngành Công nghệ thông tin-Đại học Quy Nhơn (khối A) và ngành Dược - Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng (khối B). 

Ngoài việc tự học, tự tìm tòi tài liệu trên mạng internet, khi gặp những bài tập khó Lâm thường nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô. Ôn tập một cách khoa học cũng là phương pháp giúp Lâm tiếp nhận kiến thức một cách hiệu quả:

“Em chỉ học đến 11 giờ đêm, 5 giờ sáng hôm sau mới dậy học tiếp. Theo em không nên thức quá khuya vì nếu ngủ không đủ giấc thì không thể tập trung vào việc học cho ngày hôm sau”. Thỉnh thoảng, để bớt căng thẳng vì bài vở, Lâm giải trí bằng những games mini trên mạng.

Nói về mơ ước tương lai, Lâm bày tỏ: “Trước kia em mơ ước làm giáo viên và bác sĩ, nhưng do điều kiện bản thân nên điều này khó thành hiện thực. 

Giờ em chỉ mong học được một nghề để sau này có việc làm tự nuôi sống bản thân mình, không phải nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình”. 

Lâm cũng thể hiện sự lạc quan khi khẳng định: Tự tin vào 80% khả năng đậu đại học trong năm nay.

Theo Báo Gia Lai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ