Vuốt đuôi dư luận

GD&TĐ - Trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội xung quanh câu chuyện nước sông Đà bị ô nhiễm vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thú nhận rằng, bản thân ông cũng phải dùng nước bẩn trong 3 ngày! 

Nguồn nước sạch cấp cho Hà Nội bị nhiễm bẩn. Ảnh minh họa/INT
Nguồn nước sạch cấp cho Hà Nội bị nhiễm bẩn. Ảnh minh họa/INT

Theo ông, Bộ trưởng cũng là nạn nhân của vụ nước bẩn chứ không chỉ hàng vạn người dân Hà Nội. Ơ hay, dù là bộ trưởng hay ai đi chăng nữa thì cũng vẫn phải… uống nước chứ? Làm bộ trưởng có thể có những đặc ân nhưng không thể xài riêng một đường ống dẫn nước nên “dân sao thì bộ trưởng vậy” là chuyện không phải bàn.

Lời thú nhận trên tưởng như một sự đồng cam cộng khổ với người dân, vô hình trung lại làm lộ ra những mảng tối mà với tư cách là người đứng đầu một bộ chuyên chăm lo chuyện “sạch” cho dân, ông bộ trưởng không thể vô can trong câu chuyện nước bẩn vừa rồi.

Tư nhân hóa các dịch vụ phục vụ công ích là việc cần khuyến khích. Nó vừa giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, phải nuôi bộ máy cồng kềnh, vừa xóa bỏ được độc quyền luôn cản đường cho sự phát triển lâu nay.

Tuy nhiên, dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt lại là một vấn đề hết sức nhạy cảm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người. Khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này nhưng phải được sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước về chuyên môn, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường và chất lượng nước sinh hoạt.

Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường - nơi hoạch định các chiến lược đồng thời cũng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản nhằm quản lý và ngăn ngừa những “khủng hoảng” có thể xảy ra như chuyện nước bẩn vừa rồi thì không thể là người đứng bên lề của câu chuyện nước bẩn. Giả sử như thay vì đổ nhớt vào đầu nguồn nước như những kẻ vừa bị bắt, chúng bỏ thuốc độc vào nước thì tính sao đây?

Sau khi thanh minh với báo giới mình cũng là nạn nhân khi phải dùng nước bẩn 3 ngày, Bộ trưởng Trần Hồng Hà gợi ý những người dùng nước bẩn có thể khởi kiện doanh nghiệp cung cấp nước. “Bán thuốc giả đi tù thì bán nước bẩn cũng có thể đi tù”, lời khẳng định đó của Bộ trưởng Trần Hồng Hà có thể làm “hả dạ” những người… nhẹ dạ nhưng không thể làm thay đổi bản chất của câu chuyện nước bẩn vừa rồi.

Người dùng nước cần nhà chức trách, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi của họ rằng, ai là người giám sát chất lượng nước? Những người dùng nước cần một cơ quan giám sát độc lập về chất lượng nước chứ không thể vừa đá bóng lại vừa thổi còi như lâu nay được.

Chính sự phó thác, thiếu trách nhiệm từ cơ quan quản lý Nhà nước như thế nên nước bị nhiễm bẩn cả tuần nhưng bên cung cấp nước vẫn cứ cố “khắc phục” để cuối cùng đành phải buông tay. Còn dân thì chỉ đến khi không thể uống nước “hôi dầu” được nữa thì mới lên tiếng phản đối.

Chắc mọi người còn nhớ lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã về Quảng Trị “trong mưa gió” cách đây 3 năm để “ăn mực”, “tắm biển” nhằm chứng minh rằng, cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường biển từ chất thải Formosa đã chấm dứt.

Giải quyết khủng hoảng như thế là một cách vuốt đuôi dư luận chứ không mang tính căn cơ. Còn lần này, người đứng đầu bộ đã phải uống nước bẩn 3 ngày và khuyến dụ dân đi kiện cơ quan cấp nước. Đó cũng là một cách “vuốt đuôi dư luận” mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ