Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Vá lỗ hổng an ninh nguồn nước

GD&TĐ - UBND TP Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu nước từ 16 - 21/10, các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn. Nguồn nước sạch sông Đà bảo đảm các tiêu chí theo quy chuẩn của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định thông tin tại buổi giao ban báo chí
Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định thông tin tại buổi giao ban báo chí

Sau 12 ngày sự cố nước sạch cấp cho hơn 250.000 hộ dân Hà Nội bị phát hiện nhiễm dầu thải, chiều 22/10 tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định đã thông tin về công tác khắc phục sự cố cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước sạch sông Đà.

Xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm dầu

Ông Vũ Đăng Định cho biết, ngày 17/10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với tất cả các đơn vị có liên quan đến việc khắc phục hậu quả ô nhiễm của Nhà máy nước sông Đà.

Về công tác khắc phục và hệ thống truyền dẫn của nhà máy, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đã mời Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu - hóa chất để thực hiện: Xử lý dầu ngấm vào đất bằng việc bóc lớp đất thấm dầu, thu gom để xử lý, phun vi sinh xử lý dầu thấm; lắp đặt phao chuyên dụng ngăn dầu, hút dầu tại suối Bằng và kênh dẫn nước vào công trình thu, trạm bơm cấp I của Nhà máy nước mặt sông Đà. Đồng thời, tổ chức nạo vét toàn bộ đất, bùn nhiễm dầu thải tại khu vực mà các đối tượng đã đổ dầu thải và dòng chảy tại suối Bằng.

Từ ngày 15/10 Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đã ngừng cấp nước để thực hiện việc súc xả toàn bộ hệ thống mạng lưới đường ống truyền dẫn nước sạch, vệ sinh khu xử lý, thay nước bể chứa trung gian, bể chứa tại trạm bơm tăng áp Tây Mỗ, hoàn thành ngày 16/10. Đến 20 giờ 30 phút cùng ngày, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đã cho vận hành cấp lại nguồn nước vào hệ thống để phục vụ cho nhân dân vùng cấp nước dùng nước để súc xả bể nước và dùng cho sinh hoạt (chưa dùng để ăn).

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, Công ty nước sạch Tây Hà Nội… phối hợp các ban quản trị, các chủ đầu tư, người dân thực hiện thau rửa bể; hướng dẫn triển khai thực hiện thau rửa bể liên tục từ ngày 17/10. Đến nay, công tác súc xả đường ống, thau rửa bể ngầm, bể mái cơ bản hoàn thành.

Công trình hồ Đầm Bài đưa vào sử dụng năm 1998 từ hồ tưới tiêu cho nông nghiệp của ba xã Phú Minh, Hợp Thịnh, Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn). Đến năm 2005, hồ thêm nhiệm vụ chứa nước và bể sơ lắng cho dự án cấp nước sinh hoạt của TP Hà Nội
 Công trình hồ Đầm Bài đưa vào sử dụng năm 1998 từ hồ tưới tiêu cho nông nghiệp của ba xã Phú Minh, Hợp Thịnh, Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn). Đến năm 2005, hồ thêm nhiệm vụ chứa nước và bể sơ lắng cho dự án cấp nước sinh hoạt của TP Hà Nội

Cấp nước miễn phí đến hết ngày 31/10

Thông tin về chất lượng nước, theo UBND TP Hà Nội với kết quả xét nghiệm mẫu nước từ 16 - 21/10, các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn. Cụ thể: Từ ngày 16 - 21/10 (liên tục các ngày), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố trực tiếp lấy mẫu và phối hợp với Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế, Viện Công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tiến hành phân tích mẫu nước tại các hộ dân trên địa bàn 8 quận, huyện có sử dụng nước của Nhà máy nước sông Đà: Quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, kết quả 69/69 mẫu có chỉ tiêu Styren đạt quy chuẩn theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Sở Y tế đã thông tin công khai hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.

UBND thành phố chỉ đạo Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, Công ty nước sạch Tây Hà Nội… tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe stec và bình nước loại 20L nếu ai có nhu cầu.

Đề nghị nhân dân trong vùng cấp nước sông Đà khi phát hiện hiện tượng bất thường điện thoại ngay đến số điện thoại 0903461980, đồng chí Hùng, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội. Tổ chức, cá nhân nào chưa súc xả, thau rửa bể thì tiếp tục thau rửa và đến hết ngày 31/10 sẽ chấm dứt toàn bộ công việc này. Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà tiếp tục cung cấp nước miễn phí đến hết ngày 31/10.

Về quy trình xét nghiệm các mẫu nước, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, việc xét nghiệm nước được thực hiện theo Thông tư 41 năm 2018 của Bộ Y tế. Theo đó, quy chuẩn về nước sạch đang dùng là quy chuẩn Việt Nam 01 năm 2009, quy định 109 chỉ tiêu, chia làm ba mức độ giám sát: 14 chỉ tiêu giám sát mức độ A (biến động nhiều); 17 chỉ tiêu mức độ B (biến động ít hơn) và 78 chỉ tiêu mức độ C (rất ít khi biến động). Với chỉ tiêu A, đơn vị cung cấp nước sạch phải nội kiểm (tự kiểm tra) mỗi tuần một lần, ngành y tế hai tháng kiểm tra một lần. Chỉ tiêu B ngành y tế kiểm tra sáu tháng/lần, chỉ tiêu C hai năm/lần.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, trước khi đưa vào sử dụng thì nhà máy bắt buộc phải công bố cả ba chỉ tiêu an toàn và chịu trách nhiệm về công bố. Bên cạnh đó, phòng xét nghiệm của nhà máy phải lấy mẫu kiểm tra hàng ngày một số chỉ tiêu mùi vị, độ đục... và xử lý hoá chất. Tất cả quy trình này đều được lập biên bản và lưu trữ.

Bài toán an ninh nguồn nước

Về an ninh nguồn nước, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục bày tỏ, hồ Đầm Bài rất rộng, bảo vệ rất khó, nước hồ còn dùng chung cả cho tưới tiêu. “Thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu tách riêng các nguồn nước sản xuất và nước tưới tiêu để bảo vệ…”, ông Dục nói.

Nguồn nước mặt sông Đà được đưa vào sử dụng từ 11 năm trước, có thể có những thiết bị cũ, không còn phù hợp nên thành phố đề nghị thay thế công nghệ hiện đại hơn.

“Thành phố sẽ rà soát quy trình quản lý an ninh nguồn nước để chỉ rõ trách nhiệm các bên; đồng thời đầu tư thiết bị quan trắc, nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ liên quan chất lượng nước sạch...”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin.

Với Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị giám sát, kiểm soát chất lượng nước trên toàn bộ hệ thống cấp nước đảm bảo yêu cầu cấp nước an toàn, phục vụ nhân dân trong vùng cấp nước của công ty.

“Các thiết bị nào không đạt yêu cầu, cần có kế hoạch thay thế ngay. Nghiên cứu, bổ sung lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để thường xuyên đánh giá chất lượng nguồn nước đầu vào cũng như chất lượng nước đầu ra của nhà máy để kịp thời cảnh báo, khắc phục các sự cố trong tương lai, không để tái diễn như sự cố vừa qua…”, văn bản của UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Hà Nội yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà kiểm tra toàn bộ quy trình vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà gồm: Khu vực chứa trung gian, trạm bơm tăng áp, hệ thống đường ống truyền dẫn cấp nước. Chú ý đến khu vực hồ chứa nước mặt và rà soát lại thiết kế toàn bộ nhà máy. Trong đó chú ý đến khu chứa nước đầu vào cần xây dựng tách riêng không nên sử dụng chung với hồ Đầm Bài như hiện nay.

Cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù
Chiều 22/10, trao đổi với báo chí bên lề hành lang kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà bày tỏ quan điểm, nếu như “bán thuốc giả đi tù, thì cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù”.
Về việc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà cung cấp nước bẩn nhiễm dầu thải gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân thủ đô, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng có những bất cập trong quản lý vấn đề này hiện nay. Đó là thiếu chủ động ban hành những cơ chế chính sách, quy phạm liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước và việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp. 
Ngoài ra, việc chuyển bảo đảm nguồn nước sạch từ Nhà nước sang tư nhân có những mặt tích cực, nhưng sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương và doanh nghiệp trong bảo vệ an toàn nguồn nước chưa có quy định và quy trách nhiệm cụ thể.
Là một người tiêu dùng, sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nguồn nước sông Đà nhiễm bẩn, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, giờ không cần phải bàn, mà cần làm là đưa ra giải pháp đúng đắn kịp thời.
Về việc giải quyết sự cố này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cứ để cho cơ quan pháp luật giải quyết. Hiện chúng ta đã có đầy đủ quy định pháp luật để xử lý. Đối với một doanh nghiệp đưa sản phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, ở đây là kinh doanh dịch vụ, sản phẩm nước, biết đã ô nhiễm vẫn cung cấp là sự vô trách nhiệm.
“Nếu như bán thuốc giả phải đi tù thì cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, cần phải chờ các cơ quan pháp luật như toà án, Viện Kiểm sát mới có thể đưa ra kết luận chính thức”, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.