Vững tin với quyết sách của ngành

GD&TĐ - Ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội; thực hiện báo cáo, giải trình về việc thực thi trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Ảnh minh họa/INT
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn. Ảnh minh họa/INT

Phiên chất vấn trong buổi sáng và kéo dài thêm 1 tiếng của buổi chiều với rất nhiều vấn đề được cử tri cả nước gửi gắm qua đại biểu Quốc hội mong được người đứng đầu ngành Giáo dục chia sẻ, giải đáp, làm rõ.

Có đến 28 đại biểu đưa câu hỏi chất vấn, 10 ý kiến tranh luận và 20 đại biểu đăng ký nhưng vì điều kiện thời gian nên chưa được chất vấn… Số lượng vấn đề chất vấn, không khí nghị trường sôi động cho thấy giáo dục và đào tạo luôn là lĩnh vực “nóng”, nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.

Các ý kiến chất vấn “xoáy” nhiều nhất vào những vấn đề giáo dục, hoạt động giáo dục và đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; nổi bật là dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến, bảo đảm chất lượng dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, vấn đề học sinh đi học trở lại và an toàn trường học, giáo dục kĩ năng và hỗ trợ tâm lí cho học sinh, dạy học thêm, thích ứng với trạng thái bình thường mới…

Nhiều vấn đề nóng khác cũng được đại biểu Quốc hội đưa ra liên quan đến chế độ chính sách cho nhà giáo; khó khăn của các trường mầm non ngoài công lập và đội ngũ do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thừa thiếu giáo viên; tự chủ đại học; thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; sách giáo khoa mới; tự chủ ĐH; dạy học môn Lịch sử; vấn đề mở nhóm ngành sức khỏe; việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; dạy theo văn mẫu…

Có câu hỏi đại biểu đưa ra được Chủ tịch Quốc hội nhận định là “mang tính chiến lược”, yêu cầu Bộ trưởng chia sẻ về chiến lược giáo dục dài hạn ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài.

Có vấn đề mang tính liên ngành và có cả trách nhiệm của lãnh đạo địa phương; vấn đề thì đòi hỏi phải cấp cao hơn mới trả lời thỏa đáng… Các chất vấn cũng thể hiện sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những khó khăn, thách thức mà ngành Giáo dục nói chung, Bộ trưởng nói riêng phải đối mặt trong thời gian vừa qua.

Tất cả những vấn đề giáo dục nói trên, từ vĩ mô đến chuyên môn sâu đều được Bộ trưởng trả lời trách nhiệm, thẳng thắn, cầu thị, rõ ràng. Nói như Chủ tịch Quốc hội khi tổng kết phiên chất vấn: Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giữ cương vị Bộ trưởng không lâu nhưng tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, trả lời kĩ lưỡng các ý kiến của đại biểu.

Nhiều ý kiến trong và ngoài ngành cũng bày tỏ ủng hộ với phần trả lời của Bộ trưởng. Nội dung chất vấn về vấn đề giáo dục, đào tạo đồng thời thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt người trong ngành.

Nhiều ý kiến chia sẻ sau phiên chất vấn đã có cái nhìn bao quát, đầy đủ, sâu sắc hơn về thực trạng giáo dục với cả thuận lợi và khó khăn, thách thức; những giải pháp đã, đang và sẽ được triển khai; công việc, định hướng lớn của ngành trong thời gian tới…

Từ đó, thấu hiểu, vững tin, quyết tâm hơn khi thực thi nhiệm vụ, tham gia hoặc hỗ trợ, đồng hành cùng ngành Giáo dục trong chặng đường sắp tới.

Với ngành Giáo dục, trong đó có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc được tiếp nhận các ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ giúp thấy rõ thêm những việc cần làm, từ đó triển khai tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ