Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải đáp nhiều vấn đề nóng tại phiên chất vấn

GD&TĐ - Với cương vị đứng đầu ngành GD&ĐT không lâu nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và cơ bản trả lời kỹ lưỡng các ý kiến mà đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Phương án thi tốt nghiệp THPT theo hướng linh hoạt

Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng có 50 phút đăng đàn tại nghị trường. Cùng tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan có Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh nhóm vấn đề về dạy - học trực tuyến, chuyển đổi số giáo dục, nhiều nội dung được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT như: Thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng; hỗ trợ giáo viên trước đại dịch…

Đề cập đến phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng khẳng định, Kỳ thi đã được luật hoá và Bộ GD&ĐT đang thực thi theo quy định của pháp luật. Năm 2022, Bộ đã nghiên cứu phương án thi, thậm chí còn linh hoạt hơn để ứng  phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Căn cứ vào tình hình, các tỉnh thành hoặc nhóm tỉnh thành có thể có lịch thi linh hoạt hơn.

Bộ trưởng thông tin, Bộ đang xây dựng phương án ngân hàng đề thi mang tính tổng hợp, đủ lớn để có thể thi thành nhiều đợt; thậm chí mỗi tỉnh có một kế hoạch thi khác nhau.

Tuy nhiên, đây là phương án bất đắc dĩ. Nếu điều kiện cho phép, thì kỳ thi được tổ chức thành 1 đợt vẫn là tối ưu nhất. Bộ trưởng khẳng định: Trước mắt, việc tổ chức thi vẫn là cần thiết.

Trước ý kiến của đại biểu về việc có nên yêu cầu các trường đại học cam kết việc làm đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, điều này khó khả thi.

Việc tuyển dụng không nằm trong tay của nhà trường. Ngay cả doanh nghiệp cũng khó có thể khẳng định là ký hợp tác tuyển dụng bao nhiêu nhân lực. Tuy nhiên, việc quan trọng là cần tăng cường mối liên kết giữa nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, trường.

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Hỗ trợ giáo viên

Trao đổi về cơ chế hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập, Bộ trưởng chia sẻ: dịch bệnh đã khiến hệ thống giáo dục mầm non bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ sở phải đóng cửa, sang tên, rao bán, nhiều lao động mất việc, và có khoảng 1,2 triệu cháu nguy cơ không có chỗ học.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ người lao động và cơ sở giáo dục. Tổng số gói là hơn 800 tỉ đồng.

Trong đó, có đề xuất các hỗ trợ về vay vốn, thuế… cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Một trong những vấn đề mà ngành Giáo dục nhận thấy là, cần quan tâm hơn nữa đến cơ chế hỗ trợ các đối tượng trong nhóm các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trước ý kiến cho rằng, dạy trực tuyến vất vả thì có cần quy đổi giờ dạy như thế nào cho giáo viên đỡ thiệt thòi; Bộ trưởng trao đổi: Bộ GD&ĐT đã tính toán, nhưng trước mắt, toàn ngành thống nhất rằng, trong khi ngành Y tế, Công an, Quân đội… cũng đang vất vả chống dịch thì cũng không cớ gì ngành Giáo dục lại xin thêm thù lao, tính giờ.

“Tạm thời chúng tôi cũng động viên giáo viên như vậy. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh ổn định, qua thực tế rà soát, chúng tôi sẽ tính toán, đề xuất với Chính phủ một số cơ chế chính sách để vận hành công tác giáo dục được tốt hơn” – Bộ trưởng chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục đang hoàn thiện Chiến lược Giáo dục đào tạo giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Bộ đã lấy ý kiến các Bộ, ngành và xác định hướng quan trọng, trong đó lựa chọn việc chuyển đổi số, tăng cường hạ tầng cho giáo dục được xem là khâu mang tính đột phá.

Còn nhân tố mang tính then chốt cho sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công là xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng năng lực phẩm chất. Trong đó xây dựng đội ngũ các chuyên gia đảm bảo sự phát triển về lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 

Không để giáo viên thiệt thòi

Phát biểu giải trình về một số vấn đề liên quan đến biên chế giáo viên mầm non và phổ thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Bộ đã rà soát kỹ lưỡng trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh, thành.

Hiện, cả nước thiếu hơn 94 nghìn giáo viên, trong đó có số lượng lớn giáo viên mầm non, tiểu học. Thực tế, có tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương. Nhiều địa phương đã có chỉ tiêu biên chế giáo viên, nhưng chưa tuyển dụng.

Nêu giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi, cần tập trung cao, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 về việc giảm biên chế ở đơn vị sự nghiệp, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo.

Giai đoạn 2021 -2025, tiếp tục thực hiện mục tiêu này. Việc tiếp theo là cần tiếp tục rà soát mạng lưới, trường lớp, giảm số trường, giảm số lớp học; tăng cường liên câp, liên xã. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non và tăng cường tự chủ.

Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp Bộ GD&ĐT để rà soát văn bản, trên cơ sở đó, xem xét, bổ sung các quy định (nếu cần) để hoàn thiện thể chế đề xã hội hoá và tự chủ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, Bộ GD&ĐT rà soát lại quy định mức học sinh/lớp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên gắn với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Sớm tham mưu với Chính phủ những vấn đề căn cốt về tự chủ đại học.

Bộ Nội vụ tham mưu ban hành Nghị định quy định, hướng dẫn hợp trong đơn vị sự nghiệp công lập để giải quyết vướng mắc, tránh tư tưởng, suy nghĩ “biên chế suốt đời”.

Nhấn mạnh nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi, thực hiện nguyên tắc này phải hợp lý. Trước mắt, có thể hợp đồng giáo viên để thay thế giáo viên đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc này phải nằm trong định mức được giao.

Bộ trưởng đề nghị, địa phương rà soát lại về phân cấp, phân quyền để có sự liên thông trong điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Cần tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên, không để giáo viên thiệt thòi. Với những giáo viên hợp đồng từ 2015 trở về trước, cần có cơ chế để tuyển dụng xét tuyển cho họ, vì số giáo viên này này vẫn nhiều.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn - chiều 11/11
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn - chiều 11/11

Thông tin thêm về việc cung cấp nền tảng số và các hoạt động đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – cho biết: 2 tháng qua, ngành đã phủ sóng được 1.000 điểm. Các điểm còn lại sẽ cố gắng phủ sóng trong năm 2021, chậm nhất là đến tháng 1/2022

Về mạng cố định, hiện còn khoảng 8 triệu hộ chưa có mạng cáp quang. Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các doanh nghiệp, chậm nhất là trước năm 2025 cơ bản các gia đình Việt Nam sẽ có cáp quang.

Về chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đây là chương trình giúp đỡ học sinh học trực tuyến do Chính phủ phát động. Chương trình có tổng giá trị 6.000 tỷ đồng. Trong đó, chương trình 1 triệu máy tính bảng cho em với giá trị 2.500 tỷ đồng đã giao được trên 100 nghìn máy. Dự kiến, từ tháng 12 tới lượng máy tính sẽ về rất nhanh…

Về phát triển các nền tảng học trực tuyến, hiện có 6 nền tảng "make in Vietnam". Đây là các nền tảng học liệu, bài giảng mẫu, bài giảng hay, công cụ soạn bài, nền tảng tự học, quản lý học sinh… Các nền tảng này hoàn toàn miễn phí và có khoảng 10 triệu học sinh đang sử dụng. Bộ sẽ đánh giá và công bố các nền tảng đạt chuẩn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, chương trình chuyển đổi số quốc gia có ưu tiên cao cho ngành GD-ĐT. Bộ sẽ đồng hành với Bộ GD&ĐT trong công cuộc chuyển đổi số có tính cách mạng này.

Ghi nhận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trả lời kỹ lưỡng các ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - nhấn mạnh: Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không chỉ thu hút được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, mà còn cả nhiều học sinh, bậc cha mẹ học sinh trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - với cương vị đứng đầu ngành GD&ĐT không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và cơ bản trả lời kỹ lưỡng các ý kiến mà đại biểu quan tâm.

Phiên chất vấn đề cập nhiều vấn đề nóng liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh vấn đề liên quan đến chất lượng dạy - học, các vị đại biểu quan tâm tới yếu tố dạy người, kỹ năng sống, nhân cách làm người để góp phần phát huy và duy trì đạo đức xã hội với thế hệ tương lai của đất nước.

Công tác dạy - học trực tuyến cần đảm bảo dạy và học hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận giữa các vùng miền, thu hẹp khoảng cách về giáo dục; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh sinh viên có thể trở lại trường; phương án tổ chức thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ