Người khuyết tật tiêu biểu là nguồn cảm hứng vượt khó cho xã hội

GD&TĐ - Trong khuôn khổ chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã gặp mặt những tấm gương khuyết tật tiêu biểu năm 2021.

Các đại biểu chụp ảnh cùng những tấm gương thanh niên khuyết tật.
Các đại biểu chụp ảnh cùng những tấm gương thanh niên khuyết tật.

Theo các báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” lần đầu được tổ chức năm 2014. Chương trình nhằm tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vươn lên chiến thắng số phận, đóng góp tiêu biểu vào sự phát triển của cộng đồng.

Với thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực”, chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa đối với cộng đồng người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng.

Phát biểu ý kiến sau khi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Khắc Định khẳng định: Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật. Vì vậy, đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Nhiệt liệt biểu dương, bày tỏ khâm phục trước những thành tích, cống hiến của 50 đại biểu tham gia chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Đây đều là những tấm gương sáng về ý chí, không những luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, mà còn chăm lo gia đình, đóng góp cho xã hội. Từ đó, tạo niềm tin, lan tỏa cảm hứng cho cộng đồng người khuyết tật vượt khó, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Những tấm gương đã tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện sống cho không chỉ người khuyết tật, mà còn cả người không khuyết tật. Nghị lực phi thường đã giúp họ trở thành những hạt nhân tiêu biểu của toàn xã hội”, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các đơn vị phối hợp để tổ chức hiệu quả chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”. Nhờ đó góp phần lan tỏa, làm sâu sắc những giá trị nhân văn, nhân đạo. Đồng thời, đề nghị các tổ chức, đơn vị trong thời gian tới tiếp tục chung tay triển khai thêm nhiều chương trình hỗ trợ. Điều này nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng vượt khó học tập, lao động, sản xuất, trở thành người có ích cho cộng đồng.

Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam cần phối hợp nghiên cứu những chính sách, dịch vụ đặc thù, phù hợp với từng đối tượng người khuyết tật. Điều này nhằm tạo môi trường để cộng đồng người khuyết tật tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để người khuyết tật thực hiện tốt các quyền của bản thân, nhất là quyền bình đẳng.

Năm 2021, Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu thuộc 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 6 đại biểu là người dân tộc thiểu số như Tày, Mường, Mông, Ê Đê. Nhiều anh, chị đạt được thành tích cao trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thanh thiếu nhi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ