Thành Nhà Hồ là minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất giúp học sinh nhìn nhận về quá khứ, để từ đó hiểu và trân trọng lịch sử dân tộc.
Tiết học trực quan sinh động
Đang dịp hè, song cô trò lớp 12A7, Trường THPT Vĩnh Lộc đã có buổi tham quan, trải nghiệm thú vị tại di sản Thành Nhà Hồ. Đặc biệt, trong suốt quá trình tham quan, cô trò không quên quay lại video, hình ảnh làm tư liệu quý, phục vụ cho môn học và quảng bá di sản đến bạn bè muôn phương.
Điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình tham quan di sản Thành Nhà Hồ của cô trò Trường THPT Vĩnh Lộc là không gian trưng bày hiện vật ngoài trời. Nơi đây đang trưng bày nhiều hiện vật bằng đá được tìm thấy trong những lần khai quật.
Các hiện vật chủ yếu là đá chân tảng có kích cỡ khác nhau, họa tiết hình đài sen - cánh sen độc đáo. Trên một số hiện vật còn khắc hình rồng uốn lượn - là biểu tượng của vua chúa, đại diện cho sức mạnh của vương triều.
Tại khu trưng bày ngoài trời còn có một tấm panô lớn, bên trên giới thiệu các hiện vật trang trí có kiến trúc đẹp nhất, tiêu biểu của di sản Thành Nhà Hồ. Ngoài các dấu vết kiến trúc trong thành Nội, có nhiều hiện vật như ngói đầu ống có lá đề khắc hình lưỡng long rất sinh động và sắc nét; đầu chim phượng, hình chim uyên ương,...
Cách đó không xa là khu phục dựng, mô phỏng súng thần công, gắn liền với tên tuổi của Hồ Nguyên Trừng (con trai của Hồ Quý Ly). Trên hành trình tham quan, cô trò Trường THPT Vĩnh Lộc còn dừng chân ở đền thờ nàng Bình Khương, khu vực tường bao quanh thành; đôi rồng đá bên trong thành nối từ cổng Nam lên cổng Bắc.
Cặp rồng được chạm khắc rất tỉ mỉ. Thân rồng thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, phủ kín vảy. Rồng có bốn chân, mỗi chân ba móng với các túm lông lượn mềm mại. Đầu rồng hiện đã bị mất nhưng vẫn còn phần bờm dài lượn chín nếp. Các khoảng trống dưới bụng và ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc và móc hoa lượn mềm.
Một góc cổng Nam di sản Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). |
Điểm cuối trên hành trình tham quan là phòng trưng bày cổ vật tại Thành Nhà Hồ. Đây cũng là nơi thu hút hàng nghìn du khách tham quan, đặc biệt là giáo viên và học sinh các nhà trường. Chiếm phần lớn là các hiện vật được chế tác bằng đá như: Đá tảng xây thành, bi đá, đạn đá hay các quả đối trọng dùng làm súng bắn đá tiêu diệt kẻ địch khi quân đội phòng thủ bảo vệ hoàng thành Tây Đô.
Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày những viên gạch xây thành cỡ lớn, với cấu trúc bền vững. Điều đặc biệt là trên mỗi viên gạch đều in và khắc chữ Hán ghi tên các địa danh đã tham gia sản xuất. Cùng với gạch xây thành là gạch lát nền cỡ lớn được sản xuất từ đất nung, bên trên có hoa văn trang trí hình hoa cúc, lá chanh độc đáo. Dù trải qua lịch sử hàng trăm năm, song vẫn còn khá nguyên vẹn.
Có mặt trong chuyến tham quan, Nguyễn Thị Thúy (lớp 12A7, Trường THPT Vĩnh Lộc) rất ấn tượng với những hiện vật trưng bày tại Thành Nhà Hồ. “Em đã từng ghé thăm Thành Nhà Hồ nhiều lần, song có lẽ đây là lần tham quan để lại cho em nhiều ấn tượng nhất. Với em đây là tiết học sinh động, thực tế và bổ ích. Là người con của quê hương, em rất tự hào về di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận”, Thúy bộc bạch.
Cô và trò Trường THPT Vĩnh Lộc được hướng dẫn viên du lịch (bìa trái) giới thiệu về di sản Thành Nhà Hồ. |
Ngói và gạch lát nền cỡ lớn với hoa văn độc đáo. |
Gạch lát nền cỡ lớn vẫn còn nguyên vẹn dù trải qua lịch sử hàng trăm năm. |
Lan tỏa các giá trị của di sản
Cô Quách Lan Anh - giáo viên Văn, Trường THPT Vĩnh Lộc cho rằng: Với thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời bình, vì vậy nhắc đến lịch sử dân tộc các em phần nào khó tiếp cận. Do đó, với những di sản được bảo tồn cho đến ngày nay như Thành Nhà Hồ có vai trò quan trọng, giúp các em nhìn nhận về quá khứ.
“Đối với lịch sử, việc các em chỉ học qua sách vở sẽ rất khó để hình dung. Tuy nhiên, di sản Thành Nhà Hồ đã tồn tại hàng trăm năm là minh chứng rõ ràng và cụ thể nhất để học trò hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi thường xuyên lồng ghép giới thiệu di sản vào bài giảng để các em biết trân trọng quá khứ. Đồng thời, tôi cũng sáng tác một số bài thơ nhằm lan tỏa các giá trị di sản đến với bạn bè quốc tế”, cô Lan Anh chia sẻ.
Tượng rồng đá ở trung tâm toà thành, nằm ở lối đi nối từ cổng Nam lên cổng Bắc. |
Học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc thích thú với mô hình súng thần công. |
Em Nguyễn Thị Thúy, lớp 12A7, Trường THPT Vĩnh Lộc (áo sáng) nghe hướng dẫn viên giới thiệu về đạn đá trưng bày tại Thành Nhà Hồ. |
Ông Trịnh Hữu Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành Nhà Hồ thu hút hơn 180 nghìn lượt du khách tham quan. Trong đó, có hơn 54 nghìn lượt khách là giáo viên, học sinh các bậc học trong và ngoài tỉnh.
Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã phối kết hợp với các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh từ di sản. Đặc biệt, những năm gần đây, các hoạt động được tổ chức theo hướng đổi mới sáng tạo, với nhiều chủ đề khác nhau, như: Em làm nhà Khảo cổ học; Em làm Thuyết minh viên. Trung tâm cũng tổ chức cuộc thi “Di sản Thành Nhà Hồ và tôi”, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia.
“Những hoạt động này đã tạo sức lan tỏa rất lớn, nhận được phản hồi tốt từ các thầy cô và phụ huynh học sinh. Từ các cuộc thi này góp phần khuyến khích sự sáng tạo, tích cực chủ động học tập của các em trong việc tìm hiểu giá trị lịch sử. Đồng thời, rèn luyện nhiều kỹ năng, nhất là khả năng làm việc nhóm”, ông Anh thông tin.
Hướng dẫn viên (bìa trái) giới thiệu về bức tường bằng đá bao quanh Thành Nhà Hồ. |
Thành Nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc), được đánh giá là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Thành được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, còn có tên gọi khác là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (kinh thành Thăng Long, Hà Nội). Sau khi xây dựng xong, Hồ Quý Ly rời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Trải qua hơn 600 năm, nhiều hạng mục công trình bên trong thành đã bị phá hủy. Năm 2011, Thành Nhà Hồ được Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.