Ngày 14 tháng 7 năm 2025, Đại sứ Nga tại Đan Mạch - ông Vladimir Barbin cho biết, thỏa thuận giữa Washington và Copenhagen, được Quốc hội Đan Mạch thông qua vào tháng 6, sẽ cho phép Quân đội Hoa Kỳ triển khai thiết bị và thiết lập các căn cứ gần biên giới Nga, điều này sẽ gây ra mối đe dọa an ninh cho Moskva.
Cơ sở hạ tầng quân sự của Hoa Kỳ tại các căn cứ của Đan Mạch ở Jutland - thuộc những thành phố Aalborg, Karup và Skrydstrup, sẽ nằm sát lãnh thổ Nga, bao gồm cả khu vực Kaliningrad.
Ông Barbin lưu ý rằng Đan Mạch không có toàn quyền kiểm soát các loại vũ khí mà Hoa Kỳ triển khai và bày tỏ lo ngại về khả năng vũ khí hạt nhân sẽ xuất hiện, điều mà ông cho là khó có thể loại trừ.
Quốc hội Đan Mạch đã bỏ phiếu với tỷ lệ 94/11 để thông qua dự luật mở rộng thỏa thuận năm 2023 được ký kết dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Hiệp ước mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7, cho phép Hoa Kỳ "tiếp cận không giới hạn" 3 căn cứ không quân về nhân sự, trang thiết bị, huấn luyện và bảo trì.
Tờ Guardian làm rõ rằng Quân đội Hoa Kỳ tại các căn cứ này sẽ chịu sự quản lý từ Washington, điều này vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm nhân quyền và những đảng đối lập như Liên minh Đỏ - Xanh với cáo buộc đã "nhượng lại chủ quyền" cho Mỹ.
Thỏa thuận này còn trở nên đặc biệt gây tranh cãi trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc việc sáp nhập Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch - ông Lars Lokke Rasmussen cho biết thỏa thuận này có thể bị hủy bỏ nếu Hoa Kỳ tiến hành sáp nhập Greenland, một hòn đảo Bắc Cực có vị trí chiến lược quan trọng.
Văn bản này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong chính sách quốc phòng của Đan Mạch, vốn đã tránh sự hiện diện thường trực của quân đội nước ngoài trong nhiều thập kỷ.

Đảo Greenland - nơi Hoa Kỳ đã vận hành căn cứ Pituffik (trước đây có tên gọi Thule), vẫn là một yếu tố then chốt trong chiến lược Bắc Cực của Washington, đặc biệt là nhằm răn đe Nga và Trung Quốc.
Việc Mỹ triển khai lực lượng tại Đan Mạch sẽ củng cố vị thế của NATO tại khu vực Baltic, nơi liên minh này đã và đang tăng cường sự hiện diện, bao gồm cả những tiểu đoàn đa quốc gia tại vùng Baltic.
Cần nói thêm, Đan Mạch là quốc gia rất tích cực hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp 526,5 triệu euro viện trợ quân sự, bao gồm cả vũ khí pháo binh và đào tạo binh sĩ.