Vụ "hố tử thần" ở Nghệ An: Giếng có nước trở lại sau 2 năm cạn trơ đáy

GD&TĐ - Sau khi các doanh nghiệp dừng khai thác nước ngầm, 299 giếng sinh hoạt bị can trơ đáy của người dân xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đã có nước trở lại.

Một "hố tử thần" tại xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).
Một "hố tử thần" tại xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).

Ngày 10/6, ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết, sau khi có lệnh "cấm" doanh nghiệp khai thác nước ngầm, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn xã không có thêm nhà nào bị nứt nẻ, sụt lún.

Ngoài ra, 299 giếng nước sinh hoạt của người dân trước đó bị cạn trơ đáy thì nay cũng đã có nước trở lại.

Theo ông Hóa, tính đến thời điểm này, có thêm 17 hộ trình báo nhà bị nứt nẻ, nâng tổng số nhà lên tới 232. Tuy nhiên, 17 nhà này đều đã nứt nẻ trước ngày 29/5 nhưng trình báo muộn.

"Hố tử thần" rộng 10m, sâu hoắm tại nhà chị Lê Thị Nga (bản Na Hiêng, xã Châu Hồng).
"Hố tử thần" rộng 10m, sâu hoắm tại nhà chị Lê Thị Nga (bản Na Hiêng, xã Châu Hồng).

Sáng ngày 9/6, người dân ở bản Công có trình báo tại vườn nhà dân xuất hiện thêm 1 hố sụt lún, tuy nhiên hố này từng xảy ra sụt lún trước đó và tỷ lệ sụt lún thêm là không lớn. Lãnh đạo UBND xã sau đó đã có mặt kiểm tra, xử lý và di dời hộ dân bị ảnh hưởng.

Hiện tại xã Châu Hồng có 10 hộ nhà cửa bị nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng nhất, phải sơ tán người và tài sản. Với những gia đình này, chính quyền địa phương đã hỗ trợ tổng số tiền hơn 283 triệu đồng.

Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở TN&MT Nghệ An chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan cũng đang kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện theo hồ sơ khai thác.

Trong khi đó, Đoàn công tác của Sở Xây dựng đã giám định trụ sở làm việc UBND xã và các trường học. Đoàn chia làm hai nhóm đang tiếp tục làm việc tại bản Na Hiêng và bản Na Noong.

"Hố tử thần" trong khuôn viên Công ty TNHH Khoáng sản An Thái (thuộc bản Na Hiêng, xã Châu Hồng).
"Hố tử thần" trong khuôn viên Công ty TNHH Khoáng sản An Thái (thuộc bản Na Hiêng, xã Châu Hồng).

Liên quan đến vụ việc này, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đã hoàn thành 3 mũi khoan, sâu hơn 30m thăm dò các điểm sụt lún để tìm nguyên nhân.

Ông Hồ Văn Tú - Liên đoàn trưởng đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ cho biết, khu vực xã Châu Hồng như một thung lũng kín, xung quanh được bao bọc bởi dãy núi cao. Lịch sử địa chất ở vùng này có cấu trúc hết sức phức tạp.

Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, địa bàn xã Châu Hồng nằm trên đới cấu trúc đứt gãy sâu Ngọc Hạt - Lồng Quèn, kéo dài gần 100km từ huyện Quỳ Hợp lên đến huyện Quế Phong (Nghệ An). Ở khu vực này, từ năm 1981-1989, Liên Xô đã phối với Việt Nam thăm dò địa chất trên toàn diện tích ở xã Châu Hồng về các tuyến quặng thiếc, sa khoáng.

Theo ông Tú, lớp trầm tích Đệ tứ phủ lên trên bề mặt đá vôi của toàn xã Châu Hồng. Đá vôi này có đặc điểm là bị cà nát, dập vỡ nên có nhiều hang karst hơn những khu vực khác. Các phễu karst xuất hiện mạch nước ngầm chảy từ xã Châu Hồng đến xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp), kéo dài khoảng 20-25km.

“Nguyên nhân sụt lún, xuất hiện các "hố tử thần" là do hạ thấp mực nước ngầm trong lòng đất. Khi các hang karst thông nhau thì tự nhiên mạch nước ngầm bị tụt. Việc khai thác khoáng sản sử dụng mạch nước ngầm nhiều cũng bị ảnh hưởng”, ông Tú cho hay.

Như đã đưa tin, từ cuối năm 2020, trên địa bàn xã Châu Hồng bắt đầu xuất hiện tình trạng sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa, giếng nước khô cạn khiến người dân hết sức hoang mang, lo sợ. 

Trước những “bất thường” trên, ngày 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo các Sở TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng, Công an tỉnh đã đến kiểm tra thực tế.

Tại buổi đối thoại với người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thừa nhận sự chậm trễ trong việc giải quyết dẫn đến tình hình nghiêm trọng hơn. Chủ tịch Nguyễn Đức Trung cho biết sẽ sớm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.