Ngày 27/5, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, lãnh đạo huyện làm việc với chính quyền xã Châu Hồng và người dân sau khi xuất hiện hố sụt lún ngay trong nhà một hộ dân.
Theo đó, khoảng 5h sáng nay, vợ chồng chị Lê Thị Nga (trú bản Na Hiêng, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp) đang ngủ thì bị đánh thức bởi một tiếng nổ lớn phía trong nhà.
Đi kiểm tra, chị Nga hốt hoảng khi phát hiện một hố sụt lún dưới móng nhà, ngay sát phòng ngủ. Ngay lập tức, chị cùng người thân trong gia đình bỏ chạy ra ngoài, đồng thời thông báo cho chính quyền và hàng xóm đến di chuyển tài sản tới nơi an toàn.
Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, ngôi nhà của chị Nga được xây dựng kiên cố, nằm ngay trước cổng trụ sở ủy ban. Sau khi nhận được tin báo, Công an xã lập tức có mặt để hỗ trợ gia đình di chuyển tài sản, đồng thời cắm biển cảnh báo, cấm người dân vào bên trong ngôi nhà để đảm bảo an toàn.
Tại hiện trường, “hố tử thần” nằm ngay bên cạnh phòng ngủ của vợ chồng chị Nga. Ban đầu hố rộng khoảng hơn 1m, nhưng sau 2 tiếng đã ăn rộng hơn 8m, sâu hun hút.
Theo ông Hóa, giống như nhiều ngôi nhà khác trong bản, trước đó ngôi nhà của chị Nga cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt nẻ. Việc hố sụt lún ngày càng rộng có khả năng ngôi nhà sẽ bị đổ sập.
Sau sự việc xảy ra, rất đông người dân xã Châu Hồng kéo đến mỏ khai thác khoáng sản của Công ty CP Tân Hoàng Khang để đi vào bên trong đường hầm. Đây là đơn vị khai thác quặng theo hình thức hầm lò, vị trí mỏ chỉ cách bản Na Hiêng, xã Châu Hồng vài trăm mét.
Ông Trần Đức Lợi cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, huyện đã thành lập Đoàn công tác vào kiểm tra, ghi nhận hiện trường vụ sụt lún ở nhà dân. Đồng thời, yêu cầu chính quyền xã hỗ trợ người dân di dời khẩn cấp tài sản đến nơi an toàn.
Theo ông Lợi, người dân địa phương đi vào hầm mỏ mục đích để xem doanh nghiệp có thực hiện dừng khai thác nước ngầm như thông báo của UBND huyện hay không. Tuy nhiên, khi vào kiểm tra thì doanh nghiệp đã ngừng bơm hút nước từ nhiều ngày trước.
“Việc liên tục xảy ra sụt lún đã khiến người dân hết sức hoang mang. Lãnh đạo huyện và địa phương đã vào mỏ để thuyết phục người dân trở về nhà, không nên kích động hoặc có hành vi phá hoại tài sản. Trong chiều nay, UBND huyện tiếp tục vào làm việc với chính quyền xã và người dân để bàn các giải pháp”, ông Lợi chia sẻ.
Cũng theo ông Lợi, để đảm bảo phương án lâu dài, UBND huyện đang chờ kết luận cuối cùng của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ - đơn vị được thuê để điều tra, khảo sát và đánh giá việc sụt lún tại Châu Hồng.
Trong trường hợp kết luận có ảnh hưởng đến đời sống người dân về nhà cửa, sinh hoạt thì huyện Quỳ Hợp sẽ xây dựng phương án tái định cư mới.
Theo báo cáo, đến nay trên địa bàn xã Châu Hồng đã có hàng chục hố sụt lún, 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ. Nghiêm trọng nhất là các vết nứt tại Trường THCS Châu Hồng đe dọa tính mạng của hàng trăm giáo viên và học sinh.
Châu Hồng được xem là "thủ phủ" khoáng sản với 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá.
Người dân xã Châu Hồng cho rằng, nguyên nhân tình trạng sụt lún, giếng cạn bất thường là do khai thác khoáng sản làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.