Ngành bất động sản đối diện khoản nợ 82.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Với 7.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn, hiện nhiều doanh nghiệp đang chật vật tìm nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu đến hạn.

Ngành bất động sản đối diện khoản nợ 82.000 tỷ đồng

Áp lực trả nợ trái phiếu hiện hữu

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 14.300 tỷ đồng chỉ riêng trong hai tuần cuối của tháng 5.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản là 7.000 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh nguyên vật liệu khoảng 2.600 tỷ đồng và các ngân hàng là 2.000 tỷ đồng…

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 31.658 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 17% tổng giá trị phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 26.137 tỷ đồng (chiếm 83% tổng số).

Được biết, trong năm 2023 khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 290.000 tỷ đồng, lớn nhất là trong đó quý 3 với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu đóng băng, nhiều doanh nghiệp lại đang chật vật tìm nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu đến hạn. Đặc biệt, có những doanh nghiệp đang “chậm” khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay.

Chỉ trong khoảng nửa đầu tháng 5, liên tiếp các doanh nghiệp bất động sản thông báo chậm trả gốc, lãi trái phiếu hoặc gia tăng thêm kỳ hạn trái phiếu như: Hưng Thịnh Land, Novaland, Hưng Phát, Đất Xanh miền Nam, Phát Đạt…

Theo dữ liệu từ VBMA tổng hợp, tính đến ngày 19/5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của tháng 5/2023 là 11.191 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất là bất động sản, với 4.931 tỷ đồng.

Ngoài ra, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp trong nửa cuối năm là rất lớn. Trong đó, lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn lên tới gần 82.000 tỷ đồng.

Chỉ trong khoảng nửa đầu tháng 5, liên tiếp các doanh nghiệp bất động sản thông báo chậm trả gốc, lãi trái phiếu hoặc gia tăng thêm kỳ hạn trái phiếu. (Ảnh minh họa)

Chỉ trong khoảng nửa đầu tháng 5, liên tiếp các doanh nghiệp bất động sản thông báo chậm trả gốc, lãi trái phiếu hoặc gia tăng thêm kỳ hạn trái phiếu. (Ảnh minh họa)

Khẩn trương thanh toán lãi, gốc trái phiếu đúng cam kết

Liên quan đến tình hình thanh toán lãi và gốc trái phiếu đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính phát đi thông tin liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính Vũ Hoàng Dương đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn một số yếu tố nội tại cần khắc phục về cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật doanh nghiệp để phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn; tính phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường tín dụng, trái phiếu, bất động sản ở mức cao, dẫn đến khi một thị trường gặp khó, sẽ kéo theo các thị trường khác.

Vì vậy, chuyên gia đề nghị cần thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư tổ chức, giảm nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Theo Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS), khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 ước tính 220.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với thời điểm kết thúc quý IV/2022.

Trong đó, áp lực mua lại trái phiếu trước hạn vẫn hiện hữu trong ngành bất động sản với giá trị mua lại tại trong quý I/2023 đạt 18.300 tỷ đồng.

"Ngành bất động sản tiếp tục ghi nhận làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn. Điểm tích cực giai đoạn này là giải pháp ngắn hạn về việc cho phép thay đổi điều khoản trái phiếu nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn" - VCBS nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.