Vợ, chồng rủ nhau học đọc, học viết

GD&TĐ - Khi tóc đã lấm tấm bạc, những cặp vợ chồng cùng đến lớp học chữ. Họ mong biết đọc, biết viết để không mặc cảm và làm gương cho con, cháu.

Dù quá tuổi nhưng ông A Dang vẫn đăng kí học lớp xóa mù chữ.
Dù quá tuổi nhưng ông A Dang vẫn đăng kí học lớp xóa mù chữ.

Học để làm gương

6 giờ tối, khi hàng trăm nóc nhà ở làng Breng 3 (xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lên đèn, gió rít từng cơn, ông Saih (50 tuổi) và vợ Ksor H’Jin (53 tuổi, làng Breng 3) tay cầm tập vở, bút chì rảo bước đến lớp học chữ. Con đường liên thôn cũng đã lác đác những bóng người. Những người bà, người mẹ chưa từng cầm bút quyết tâm đến trường để mở mang tri thức.

Bà Ksor H’Jin bảo rằng, cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ ông, bà không được đến lớp học. Lớn lên, lập gia đình, xoay sở cho cuộc sống hàng ngày rồi lo cho các con nên hai người cũng quên luôn việc đến lớp. Khi các con, cháu… đều đã ổn định cuộc sống, biết chữ thì hai vợ chồng cũng ước bản thân được đi học. Hay tin có lớp xóa mù chữ, vợ chồng bà Ksor H’Jin liền đăng kí tham gia.

“Xưa kia khó khăn nên nhiều người không biết đọc, biết viết. Giờ cuộc sống đã ổn định nên vợ chồng mình muốn được đi học. Các con cháu cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện để vợ, chồng mình đi học. Nhà nước cũng hỗ trợ, cho đi học miễn phí nên mình đăng kí ngay. Mấy tháng đi học, mình biết đọc và biết viết… mai sau áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất để phát triển kinh tế. Đặc biệt, mình sẽ làm gương để con cháu noi theo”, bà Ksor H’Jin nói.

Tương tự, lớp xóa mù chữ ở làng Kép (xã Ia Phí, Chư Păh, Gia Lai) cũng có vợ chồng ông Rơ Châm Lun (46 tuổi) cùng nhau đến trường học đọc, học viết.

Ông Lun tâm sự: Xưa kia ông chỉ học hết lớp 1 rồi nghỉ để phụ cha mẹ lo cho cuộc sống hàng ngày. Thời gian qua đi, ông cũng dần quên mặt chữ. Mỗi khi làm giấy tờ ông chẳng biết nội dung là gì, phải nhờ cán bộ xã, huyện đọc giúp. Chữ kí chẳng biết nên ông đành lăn tay, không thể tự ghi tên mình.

“Nhà nước hỗ trợ đi học miễn phí, còn phát vở, bút viết… nên hai vợ chồng đăng kí đi ngay. Mấy ngày đầu, tay cầm bút của mình run run vì quen cầm cuốc nên chữ không thành hình, thành dáng. Cố gắng nhiều ngày mình cũng viết được nhưng vẫn còn nguệch ngoạc. Nhờ thầy, cô giúp đỡ, chỉ bảo tận tình nên giờ mình và vợ đều biết làm toán, biết đọc và viết. Mình rất vui và sẽ cố gắng chăm chỉ hơn nữa để sau này có thể ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống”, ông Lun tâm sự.

Quyết đi học để mở mang tri thức

Mắt mờ nên bà Y Mơk phải đội đèn viết chữ.

Mắt mờ nên bà Y Mơk phải đội đèn viết chữ.

Lớp xóa mù chữ ở Trường Tiểu học – THCS xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy, Kon Tum) có 38 học viên, độ tuổi từ 27 đến 62. Mỗi tuần 6 buổi, lớp học bắt đầu từ 19h và kết thúc lúc 21h30.

Bà Y Mơk (58 tuổi) và ông A Dang (62 tuổi) là những học viên đặc biệt ở lớp học này. Bởi hai người là vợ chồng, ông A Dang đã quá tuổi học lớp xóa mù chữ nhưng vẫn đăng kí tham gia.

Ở tuổi 58 tuổi, mắt bà Y Mơk chẳng còn nhìn rõ con chữ trên trang giấy trắng. Để đọc, viết dễ hơn mỗi ngày đến lớp bà Mơk phải mang theo chiếc đèn pin đội đầu để rọi cho rõ chữ. Chưa từng đi học ngày nào nên bà Y Mơk phải bắt đầu từ bảng chữ cái, đến phép toán cộng trừ đơn giản nhất.

Còn ông A Dang đã học hết lớp 3 nên có chữ nhớ, chữ quên. Giáo viên phải hỗ trợ, ôn tập lại để ông nhớ mặt chữ.

Ông Dang tâm sự, hai vợ chồng mong muốn đi học từ lâu, thế nhưng tất bật với công việc đồng áng và lo cho các con ăn, học nên đành gác lại. Giờ đây các con đã có gia đình, cuộc sống ổn định nên vợ chồng ông quyết đi học.

“Đi học mình biết chữ sẽ đọc được tên thuốc mỗi lúc ốm đau. Đi đường cũng không sợ lạc vì không biết đọc biển chỉ dẫn. Hơn cả mỗi khi làm thủ tục, giấy tờ gì cũng có thể tự kí, không phải điểm chỉ nữa”, ông Dang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.