Người dân học chữ để tự kí tên mình

GD&TĐ - Sau nhiều năm không biết chữ, khi hay tin có lớp xóa mù chữ bà con rủ nhau đến trường học đọc, viết để có thể tự kí tên mình.

Lớp học xóa mù chữ ở TP Pleiku giúp bà con biết đọc, biết viết.
Lớp học xóa mù chữ ở TP Pleiku giúp bà con biết đọc, biết viết.

Phấn đấu hơn 90% người trên 15 tuổi đọc thông, viết thạo

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025) tỉnh Gia Lai dự kiến tổ chức 735 lớp xóa mù chữ (XMC) cho gần 23.500 người/176 xã, với kinh phí hơn 46,5 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, với kinh phí 12,9 tỷ đồng, Sở GD&ĐT Gia Lai phối hợp với Ban Dân tộc và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân khai kinh phí về các địa phương thực hiện XMC với số lượng 217 lớp học cho 6.502 học viên.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tiếp tục duy trì hiệu quả XMC, tỉnh Gia Lai hướng đến năm 2025 người từ 15 tuổi trở lên sẽ đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông với tỷ lệ trên 90%.

Sau nhiều ngày làm quen với cây bút, quyển vở ở lớp XMC tại Trường Tiểu học Lê Lai (TP Pleiku, Gia Lai), chị H’Then (làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP Pleiku) đã có thể tự viết tên mình và làm một số phép toán đơn giản.

Chị H’Then cũng như nhiều phụ nữ khác trong làng, trước kia tất bật với công việc đồng áng nên chẳng được đến trường học chữ. Quanh quẩn với cuộc sống mưu sinh nên chị H’Then quên việc đi học. Hay tin có lớp XMC, chị H’Then được chính quyền địa phương, giáo viên vận động nên đăng kí đi học.

“Được giáo viên chỉ dạy từng chút một giờ mình đã có thể đọc được chữ trên tivi, sách báo. Tuy chưa được nhanh, lưu loát nhưng mình rất vui vì đã biết chữ. Sau này khi làm giấy tờ, thủ tục gì mình có thể tự kí tên. Đồng thời học hỏi thêm để phát triển kinh tế gia đình”, chị H’Then tâm sự.

Ở tuổi 67, bà H’Chunh (phường Chi Lăng, TP Pleiku) cũng lần đầu cầm bút viết. Bà Chunh bảo rằng, mẹ bà mất sớm nên cuộc sống vô cùng khó khăn do đó mấy anh, chị em chẳng có điều kiện đi học. Đi làm, lập gia đình rồi có con, bà cũng quên luôn việc đến trường.

Khi hay tin có lớp XMC, được các con động viên bà liền đăng kí tham gia với mong muốn đọc được chữ viết.

“Mình quen cầm cuốc lên nương nên việc cầm bút viết khó lắm. Mấy ngày đầu chữ viết chẳng ngay hàng, thẳng lối mà nguệch ngoạc. Giờ đây chữ viết mình đẹp hơn nhiều, đọc cũng thành thạo rồi”, bà H’Chunh nói.

Xóa mù chữ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống

Nét chữ nguệch ngoạc của những người phụ nữ lần đầu cầm bút.

Nét chữ nguệch ngoạc của những người phụ nữ lần đầu cầm bút.

Theo Sở GD&ĐT Gia Lai, số người mù chữ độ tuổi từ 15-60 tuổi trên địa bàn tỉnh là 67.776 /1.049.164 người, tỷ lệ 6,46%. Trong đó, người đồng bào DTTS mù chữ là 50.964/454.888 chiếm tỷ lệ 11,2%.

Trong năm 2022, tỉnh Gia Lai đạt chuẩn XMC mức độ 1. Cụ thể, số đơn vị cấp xã đạt chuẩn XMC là 52, trong đó mức độ 1: 10/220 xã chiếm tỷ lệ 4,54%. Còn mức độ 2: 210/220 xã, chiếm tỷ lệ 95,46% (tăng 8 đơn vị cấp xã). Bên cạnh đó, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn XMC mức độ 1: 2/17 huyện chiếm tỷ lệ 11,76% và mức độ 2: 15/17 huyện chiếm tỷ lệ 88,24% (tăng 1 đơn vị cấp huyện so với năm 2021).

Theo Sở GD&ĐT Gia Lai, hiện tại các điều kiện để tổ chức lớp XMC cơ bản đầy đủ, từ chương trình, tài liệu, nhân sự, cơ sở vật chất đến tài chính. Sở GD&ĐT đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn; kinh phí thực hiện cũng đã được giao về các địa phương để triển khai mở lớp XMC đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Công tác XMC đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển đất nước. Tuy nhiên, để công tác này được duy trì và đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường, đặc biệt là người học.

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 về “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình MTQG 1719” tỉnh Gia Lai đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 7 trường PTDTNT, trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú với nguồn vốn năm 2022.

Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 22 trường PTDTNT, trường PTDTBT giai đoạn 2023 - 2025 với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh đã mở hàng trăm lớp xóa mù chữ tại các thôn, làng đồng bào DTTS từng bước thu hẹp khoảng cách về dân trí giữa các vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.