Lớp xoá mù chữ của những thầy giáo mang quân hàm xanh

GD&TĐ - Những người thầy mang quân hàm xanh đã mang con chữ đến người dân tộc thiểu số ở vùng biên Gia Lai, giúp bà con có thêm tri thức.

Những thầy giáo mang quân hàm xanh ở miền biên viễn.
Những thầy giáo mang quân hàm xanh ở miền biên viễn.

Đi học để biết tính toán

Chiều muộn, chị Kpui H’Lép (SN 1996, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai) dọn dẹp nhà cửa, ăn vội bữa cơm để đến lớp học chữ.

Nhiều năm về trước, chị Kpui H’Lép cũng như những đứa trẻ trong làng chỉ học được một thời gian rồi nghỉ vì hoàn cảnh khó khăn. Không đi học, chị H’Lép theo cha mẹ lên nương rẫy. Lâu dần, chị quên luôn cách cầm bút viết.

“Không đi học mình tự ti, xấu hổ với mọi người lắm. Mua bán gì cũng bị người ta ép giá, chẳng biết chữ nên không nói lại được. Không muốn bị chê cười mình quyết tâm đi học”, chị H’Lép nói.

Đăng kí đi học, chị được những “thầy giáo” công tác tại Đồn Biên phòng Ia Lốp phát vở, bút viết. Những giáo viên đặc biệt nhẫn nại, cầm tay chị H’Lép nắn nót từng nét chữ. Sau vài tháng theo học, chị H’Lép đã có thể đọc, viết thành thạo.

“Biết đọc, biết viết mình vui lắm. May nhờ có bộ đội biên phòng mình biết chữ và có thể tự tính toán. Mình cảm ơn mọi người đã giúp mình và bà con có thêm tri thức để cuộc sống dần tốt hơn”, chị H’Lép chia sẻ.

Sau mấy tháng học chữ, chị Rơ Lan H'Cúc (SN 1997) tiếc vì không đi học sớm hơn. Có con nhỏ mới 2 tuổi nên mỗi tối đến lớp chị phải địu con theo.

“Được thầy giáo dạy chữ tôi biết thêm nhiều điều bổ ích. Có chữ tôi đi mua bán cũng không sợ bị lừa. Các thầy giáo còn dạy trồng trọt, chăn nuôi để bà con phát triển kinh tế. Vừa biết chữ, vừa giúp cuộc sống gia đình tốt hơn thì chắc chắn mình sẽ chăm chỉ đi học”, chị Rơ Lan H'Cúc tâm sự.

Những người thầy đặc biệt

Học viên tích cực học chữ, xung phong trả lời câu hỏi giáo viên đưa ra.

Học viên tích cực học chữ, xung phong trả lời câu hỏi giáo viên đưa ra.

Lớp học đặc biệt này thuộc Cụm dân cư suối Khôn, cách trung tâm UBND xã Ia Mơ khoảng 20km, giáp ranh với xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Khu dân cư được hình thành với 103 hộ, 561 khẩu. Vì cuộc sống khó khăn nên 71 người dân vẫn chưa biết đọc, biết viết. Mong muốn giúp bà con tiếp cận con chữ, Đồn Biên phòng Ia Lốp đã mở lớp xóa mù chữ với sự tham gia của những người thầy mang quân hàm xanh.

Trung tá Nguyễn Văn Thành - Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp cho biết, qua rà soát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân thì có 45 người mong muốn được học chữ. Do đó, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã xây dựng kế hoạch, báo cáo và được Bộ Chỉ huy đồng ý mở lớp xóa mù chữ.

Từ tháng Tư đến nay, Đồn Biên phòng Ia Lốp đã tổ chức khai giảng được hai lớp xóa mù chữ cho người Jrai vào 3 buổi tối mỗi tuần. Trực tiếp giảng dạy cho học viên là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Hoằng đảm nhận môn Toán và Đại úy Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng dạy môn tiếng Việt.

Chương trình giảng dạy cho bà con đều sử dụng tài liệu "Học xóa mù chữ" do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn với sự hỗ trợ chuyên môn của Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Ia Piơr).

Những học viên có con nhỏ mang theo đến lớp được thầy giáo đặc biệt tận tình hướng dẫn.

Những học viên có con nhỏ mang theo đến lớp được thầy giáo đặc biệt tận tình hướng dẫn.

Đại uý Nguyễn Văn Luân tâm sự, lớp xóa mù chữ với những học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, có người đã ngoài 50. Những ngày đầu, cán bộ tổ công tác phải đến từng gia đình vận động để bà con hiểu và mạnh dạn đến lớp học. Bên cạnh đó, khi dạy chữ mọi người nhẹ nhàng, gần gũi để học viên không thấy mặc cảm, tự ti.

Không chỉ việc dạy chữ mà công tác duy trì sĩ số cũng được Đồn Biên phòng Ia Lốp chú trọng. Các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên đến nhà nhắc nhở người dân lịch đi học. Đặc biệt, vào những ngày mùa, học viên vừa đi làm, vừa đi học nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc học. Để bà con yên tâm học chữ, cán bộ Đồn Biên phòng đến nhà hỗ trợ người dân công việc đồng áng, trông coi con nhỏ.

Cuộc sống khó khăn nên việc không biết chữ là thiệt thòi cho bà con. Biết đọc, biết viết sẽ giúp người dân mở mang tri thức, tiếp cận nhiều kiến thức bổ ích cho cuộc sống, phát triển kinh tế. Lớp học không chỉ giúp bà con Jrai biết chữ mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ biên giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ