Nhận thức được điều đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Giao thông đi trước mở đường
Xác định hệ thống giao thông có vai trò đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành, thị mà còn hình thành liên kết vùng, tạo nên sức bật lớn cho tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt năm 2010, điều chỉnh, bổ sung năm 2020, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh gồm các tuyến đường cao tốc, quốc lộ chạy qua tỉnh; đường nội tỉnh và các tuyến đường vành đai.
Cụ thể, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến QL2, tuyến tránh QL2B, QL2C tổng chiều dài gần 160km; 17 tuyến đường nội tỉnh tổng chiều dài hơn 370km; 5 tuyến đường vành đai tổng chiều dài hơn 255km.
Giai đoạn 2021 - 2030, tổng nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn gần 50.000 tỷ đồng
Tính đến nay, tổng vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông do cấp tỉnh quản lý đạt gần 4.200 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương giao gần 3.800 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư công địa phương giao bổ sung.
Năm 2021 đã giao hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 99% tổng nguồn vốn giao; năm 2022 giao hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 98%; năm 2023 giao hơn 1.600 tỷ đồng, dự kiến sẽ giải ngân 100% nguồn vốn.
Nhiều dự án lớn, trọng điểm mang tính chất đón đầu cho sự phát triển được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện. Gần đây nhất, vào cuối tháng 8/2023, cầu Vĩnh Phú chính thức thông xe. Cầu bắc qua sông Lô là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như tạo bước đột phá trong giao thương phát triển kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ.
Cùng với cầu Vĩnh Phú, nhiều dự án giao thông lớn, trọng điểm được triển khai, đề xuất đầu tư và hoàn thành.
Trong đó, có thể kể đến đường vành đai 3 đoạn Hương Canh - Yên Lạc; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3; cầu Vĩnh Phú; đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên, đi QL2C và Tuyên Quang…
Nhờ hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) có tỷ lệ lấp đầy cao. Ảnh: Trí Thiện |
Ưu tiên thu hút đầu tư
Với hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng đã giúp cho Vĩnh Phúc tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Thực tế chứng minh, những năm qua, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng phát triển, trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, “đòn bẩy” tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, 9 tháng đầu năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 29 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 35 lượt dự án.
Lũy kế đến 15/9/2023, số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu công nghiệp là 468 dự án đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó có 107 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 32.500 tỷ đồng và 361 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,27 tỷ USD.
Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Vĩnh Phúc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 19 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.487ha, đến nay, đã có 16 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng diện tích đất quy hoạch là gần 3.157ha.
Một số khu công nghiệp đã lấp đầy 100% như: Kim Hoa, Bá Thiện II, Bình Xuyên II giai đoạn 1, Bá Thiện phân khu II. Một số khu công nghiệp có tỷ lệ đầy cao như: Khai Quang đạt 96%, Bình Xuyên đạt 97%, Thăng Long Vĩnh Phúc đạt 86%…
Có được kết quả trên, song song với công tác quy hoạch, nhằm tạo điều kiện tốt để thu hút đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng quan tâm hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và thu hút đầu tư của các chủ đầu tư. Do vậy, ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng đăng ký đầu tư, các chủ đầu tư đều tích cực triển khai, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.
Trên cơ sở quy hoạch đã phê duyệt, các ngành, địa phương đặc biệt chú trọng hoàn thiện và tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng thu hút và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp có chuyên môn và tiềm lực về tài chính, đầu tư hạ tầng; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là những nhà đầu tư dự án lớn, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường..., bảo đảm nhanh chóng xây dựng, lấp đầy các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Căn cứ vào sự phát triển của các doanh nghiệp, các ngành nghề, địa phương, chọn lọc thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn; đẩy mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp tại các địa phương có nhiều lợi thế và gắn việc phát triển với liên kết các ngành thương mại, dịch vụ trong phát triển kinh tế; đồng thời bảo đảm gắn với không gian công nghiệp cả nước.
Huy động cao nhất mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng có tính kết nối vùng, tạo động lực để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, đặc biệt là một số tuyến giao thông trọng điểm, có tính chiến lược lâu dài; hạ tầng kết nối với các khu, cụm công nghiệp.