Giai đoạn “vàng” còn kéo dài 40 năm
Việt Nam đã bắt đầu thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2006 - 2007, khi tỷ lệ dân số từ 15 - 59 tuổi chiếm 65,2% và được dự kiến sẽ kéo dài khoảng 40 năm. Đặc biệt, gánh nặng phụ thuộc giảm tới mức lý tưởng, hơn 2 người trong độ tuổi lao động mới phải gánh một người ngoài tuổi lao động. Như vậy với những lợi thế của cơ cấu dân số hiện nay, mỗi năm nước ta thêm khoảng 1,5 triệu người vào tuổi lao động.
Việt Nam đang trong giai đoạn "dân số vàng" (ảnh minh họa). |
Bên cạnh đó, do chất lượng cuộc sống và tuổi thọ ngày càng cao, nhiều người dù hết tuổi lao động nhưng do còn khoẻ mạnh, có tay nghề nên vẫn có nhu cầu tham gia lao động.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, những phụ nữ ở tuổi về hưu thuộc nhóm 55 - 59 tuổi ở cả nông thôn và thành thị vẫn có tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế cao hơn nhiều so với nữ trong độ tuổi lao động theo pháp luật (nhóm tuổi 15 - 19). Do đó, con số này cộng với số trong độ tuổi lao đông gia tăng tự nhiên hàng năm cho thấy, Việt Nam có một nguồn lực rất dồi dào về trí tuệ và sức lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng cường đào tạo nâng cao nguồn nhân lực
Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thách thức bởi có một thực tế rằng, dù có nguồn lao động dồi dào thế nhưng tỷ lệ lao động có trình độ, tay nghề cao ở Việt Nam còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực cả về kiến thức lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Điều này dẫn đến khoảng cách chênh lệch tiền lương giữa các nhóm thành thị và nông thôn, kỹ năng giữa đào tạo và trình độ đào tạo. Nguyên nhân là do bấy lâu nay vấn đề giáo dục còn nhiều yếu kém, đặc biệt giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức…
Cùng với những vấn đề nêu trên, TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, các chính sách về thị trường lao động có vai trò rất quan trọng trong việc tái phân phối lao động, hỗ trợ dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề, kỹ năng, địa điểm để đạt được mục tiêu tăng trưởng hiệu quả và phát triển bền vững. Dự báo, đến cuối giai đoạn 2018 - 2020 việc chuyển dịch cơ cấu lao động cần phải được thực hiện dựa trên việc tăng năng suất lao động. Do vậy, các chính sách về tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách về giáo dục, đào tạo phải được chú trọng để hiệu quả hơn.
Yêu cầu phát triển kinh tế trong thập niên tới không chỉ đòi hỏi số lượng mà còn đòi hỏi chất lượng cao của nguồn nhân lực. Để tiếp tục tăng trưởng vượt qua ngưỡng các nước có thu nhập thấp, Việt Nam cần phải cấu trúc lại nền kinh tế, phát triển các loại sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Bởi thực tế khi xã hội phát triển thì hàng loạt các nhu cầu về các ngành nghề mới, dịch vụ mới như chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, người già, công tác xã hội... chắc chắn sẽ đặt ra các yêu cầu mới về đào tạo. Đặc biệt, chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Dự báo trong 10 năm tới, nông thôn vẫn là nguồn cung lao động cho các ngành phi nông nghiệp và khu vực thành thị. Do đó, cần đảm bảo đủ nguồn lực về con người, vật chất và cơ sở hạ tầng cho nông thôn, thực hiện tốt các chính sách và chương trình phát triển nông thôn nhằm chuyển dịch lao động từ khu vực có năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao.
Đối với số dân trong độ tuổi lao động - là số dân sẽ tăng nhanh trong hai thập kỷ tới - việc tạo cơ hội việc làm ở tất cả các ngành, khu vực và vùng kinh tế là hết sức quan trọng. Đầu tư công cần chú trọng hơn nữa đến dân cư nông thôn nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp và điều này đòi hỏi phải có chương trình đào tạo nghề theo nhu cầu. Đặc biệt với nữ giới trong độ tuổi lao động, cần chú trọng hơn nữa các chương trình và chính sách giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Anh Thư