Trong các ngày 23-26/8, tại Thái Lan diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 13 và các hội nghị liên quan. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ GD&ĐT Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị do Bộ Giáo dục Thái Lan, Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước ASEAN, ASEAN+3, ASEAN - Đông Á, Timor Leste và đại diện các đối tác giáo dục quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 13 với chủ đề “chuyển đổi giáo dục trong thời đại kỹ thuật số”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ về ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Một trong những nhiệm vụ nhằm thực hiện Đề án này là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó chương trình giảng dạy mới chuyển đổi từ cách tiếp cận dựa trên nội dung sang cách tiếp cận dựa trên năng lực của học sinh, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số.
Chương trình giảng dạy mới giúp trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng và năng lực cần thiết để thành công trong thế kỷ 21, như kỹ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp và hợp tác, các kỹ năng kỹ thuật số và kiến thức về công nghệ số.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh Việt Nam được học môn Tin học từ cấp tiểu học. Việc này có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây là độ tuổi đang bắt đầu khám phá và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Việc học sinh có được các kỹ năng cơ bản về sử dụng CNTT và truyền thông một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp phòng tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển một tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.
Trong những năm gần đây, ngoài chương trình môn Tin học tại nhà trường, học sinh có thể tham gia các hoạt động về công nghệ thông tin khác như: Học về robot và STEM trong nhà trường, học lập trình tại các trung tâm, học kĩ năng số thông qua các khóa học, tham gia các cuộc thi sáng tạo công nghệ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện Việt Nam đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý điều hành.
Trong đó, đối với phổ thông, cơ sở dữ liệu đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý (Gồm 51.000 trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh, hơn 1,4 triệu giáo viên).
Đối với bậc đại học, cơ sở dữ liệu đại học (HEMIS) đã số hóa thông tin của gần tất cả các cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng sư phạm (hơn 400 đơn vị) với 2,6 triệu hồ sơ sinh viên và hơn 156.000 hồ sơ đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Nhằm tăng cường dạy học trực tuyến, kho học liệu số chia sẻ dùng chung miễn phí toàn ngành (bao gồm cả học liệu mở) cũng đã được đưa vào khai thác sử dụng, chia sẻ hơn 7.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh cam kết của Bộ GD&ĐT Việt Nam trong việc chia sẻ những nỗ lực chung của khu vực và đồng hành cùng Bộ Giáo dục các nước thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi số trong giáo dục ASEAN và Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang thay đổi.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước ASEAN đã thông qua tuyên bố chung của Hội nghị, bao gồm những nội dung: nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; cam kết cùng nỗ lực thúc đổi chuyển đổi số trong giáo dục trong khu vực; ghi nhận thông tin của Thái Lan về khái niệm “học tập hạnh phúc”; tăng cường hợp tác để triển khai các Tuyên bố trong hợp tác giáo dục ASEAN.