(GD&TĐ) - Trong quãng đời tác nghiệp của mình, đã có không ít lần tôi cảm thấy mình được “thăng hoa”, bay bổng trong một cảm giác tự hào, dẫu cảm giác ấy đôi khi chỉ đủ để phỉnh phờ, ve vuốt cái “tôi” cá nhân. Chẳng hạn như cái lần “một mình một ngựa” lên tận Đắk Nông để viết bài về giáo dục ở tỉnh mới chia tách. Thị trấn Gia Nghĩa, trung tâm của tỉnh lị ngày ấy còn rất sơ khai, toàn những con đường nhỏ chênh vênh lên cao, xuống thấp, vài nóc nhà dân buôn bán lúp xúp. Nhưng những công trình mới đang khai móng, báo hiệu tương lai nơi đây sẽ phát triển sầm uất.
Buổi tối đang còn ngơ ngẩn đi bộ quan sát hai bên đường phố thì có tiếng gọi của người phụ nữ từ trong một căn nhà: “ Cô nhà báo ơi, vào đây một lát đã!”. Tôi thấy rất bất ngờ và ngạc nhiên, vì ở một chốn xa lạ nơi tôi tác nghiệp tới cả trên 500 cây số mà sao có người lại biết tôi là nhà báo. Lúc ấy tôi lại đi tay không, không hề cầm theo máy ảnh hay phương tiện nào khác. Vì vậy, vừa ghé vào nhà của người phụ nữ nọ, tôi đã hỏi ngay: “Sao chị biết tôi là nhà báo?”. Chị trả lời, ý nghĩ như sắp sẵn trong đầu: “Tôi là người sống ở đây lâu rồi nên tôi biết. Từ khi thị xã trở thành trung tâm tỉnh lỵ, những người lên đây mà ăn mặc “sang” như cô thì một là thương gia lên để tìm chỗ mở nhà hàng, quán nhậu; mà hai là nhà báo tới để moi thông tin về những vụ “chạy chức, chạy quyền” trong hàng ngũ quan chức. Nhưng đã là thương gia thì họ chẳng đi một mình, nên đích thị cô là nhà báo, tôi đoán đâu có sai!”.
Người phụ nữ ân cần mời mọc tôi ở lại nhà chị. Tất nhiên là tôi chối từ, dù biết chị có cả kho thông tin quý hiếm về vùng đất này. Nào là ông A vừa mới lên chức mà nhà đã to nhất huyện, trong nhà toàn đồ quý hiếm ở những đẩu đâu chở tới. Ông B có bà vợ đang làm ngân hàng ở Buôn Ma Thuột bỏ cả nghề để lên đây canh giữ chồng vì phát hiện chồng có bồ nhí. Nào là ngôi trường xã nọ có tới 6 cô giáo quá lứa lỡ thì “Tội nghiệp lắm, họ ở tít Thanh Hóa, Nghệ An lên đây từ khi còn mười tám, đôi mươi. Ở cái xứ khỉ ho, cò gáy ấy chỉ có học trò chứ làm gì có đàn ông. Quanh đi quẩn lại thì đã già mất rồi em ơi!”. Chị còn đem cả tập thơ của ông chồng là bộ đội ra để khoe những bài tỏ bày nỗi nhớ những ngày còn ở trên quê hương miền Bắc...
Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường Ảnh: Xuân Tùng |
Một kỷ niệm khác, đó là vào một ngày hè cuối tháng 5/2006 (cách đây 7 năm). Trong cái nắng như táp lửa, tôi và 2 phóng viên nữa đi xe máy tìm đường vào xã Bình Minh của huyện Thăng Bình, một xã có nhiều người dân chài chết, mất tích trong trận bão Chan Chu thế kỷ. Lúc ấy, văn phòng đại diện của chúng tôi ở miền Trung chưa kịp làm việc quyên góp để cứu trợ. Cái phong bì góp số tiền của 4 cá nhân tất nhiên không thể dày được như các phong bì đi cứu trợ khác.
Tới một gia đình có chồng và con trai đều mất tích không trở về, tôi còn đang lúng túng quan sát lại chiếc phong bì bên ngoài có ghi “Báo Giáo dục và Thời đại” thì Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, trong cương vị Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương dẫn đầu đoàn cứu trợ đứng sát bên nhìn thấy. Ông bảo: Báo Giáo dục và Thời đại hả? Thế thì ta cùng nhập vào với đoàn để mà thắp hương.” Tôi mừng quýnh “răm rắp” theo bước chân Bộ trưởng tới trước bàn thờ, máy quay phim, chụp ảnh tới tấp chĩa vào. Bộ trưởng giới thiệu trịnh trọng với gia đình người tử nạn rằng, đi cùng Đoàn công tác còn có Báo Giáo dục và Thời đại…, rồi ông đốt nhang và quay qua trao cho tôi cùng thắp lên bàn thờ. Đây có thể xem như kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi về một vị Bộ trưởng đáng kính ở sự giản dị, gần gũi.
Tiếp xúc với lớp nhà báo bậc cha chú, như các nhà báo lão thành cách mạng Đoàn Bá Từ, Trần Bạch Đằng, Đinh Chương, tôi vô cùng khâm phục họ về cả tay nghề lẫn phong cách, lối sống. Câu nói nổi tiếng của Bác Hồ về giới báo chí “Ngòi bút của nhà báo là vũ khí sắc bén…” khởi nguồn từ thời chưa có công nghệ thông tin như bây giờ. Các nhà báo của chúng ta ngày ấy đi tác nghiệp chỉ mỗi cuốn sổ và cây bút để ghi chép, khi trở về thì hì hục viết ra giấy, ai sang trọng lắm thì có được chiếc máy chữ mà gõ lạch cạch; nhưng những trang viết của họ luôn ngồn ngộn tư liệu, dào dạt hơi thở của cuộc sống. Còn các nhà báo của ta bây giờ đủ đầy mọi phương tiện, tối thiểu cũng có được laptop, máy ảnh, máy ghi âm, vậy mà vẫn cứ thiếu hụt dần những phóng sự “lên thác xuống ghềnh”. Số “nhà báo salon” xuất hiện ngày một nhiều. Hàng ngày, họ chỉ cần ngồi một chỗ, hay từ nhà ra tới quán café mà có tin tức, bài viết liên tục. Các tin tức, bài viết mà họ có được dễ dàng ấy, là do chỉ cần gõ google, vào các trang veb, các blog cá nhân, Facebook…, hay là lấy thông tin từ các “thông tấn xã vỉa hè”. Thế nhưng thu nhập của họ lại cao hơn cả những phóng viên đi tác nghiệp ngoài hiện trường. Điều này làm tôi nhớ lại những lần “lên rừng, xuống bể” của mình. Ngày mới vào nghề, tôi cũng đã từng hăm hở đeo ba lô, phóng xe máy tới những vùng rừng núi heo hút; xuống tàu thuyền tới những miền đảo xa.
Có những lần đi thực tế tiếp cận với cảnh, với người, bắt gặp được những chi tiết thật điển hình, thật cảm động. Khi về tới nhà tạm quên việc riêng tư, mở máy ra để tải một mạch ý tưởng. Viết xong rồi có khi quên cả đói, lăn ra ngủ không biết trời đất đâu. Lúc trở dậy lại hăm hở đọc đi đọc lại, chỉnh sửa và ngắm nghía tới 5 lần, bảy lượt. Thế nhưng tới khi trông chờ để ngắm nghía “đứa con đẻ” của mình lên mặt báo, thì hỡi ôi, đứa con ấy đã bị biến dạng ngay ở tít bài, khi lại bị xén đầu, xén đuôi, tệ hại hơn, có lúc “chữ tác thành chữ tộ”… Tôi đã từng gọi đó là “tai nạn” nghề nghiệp. Tai nạn đó ban đầu khiến tôi mất bình tĩnh, nhưng sau đó tôi tự định cho mình một quyết tâm: Phải nuôi dưỡng ý chí bền bỉ và hãy tự viết bằng niềm tin: Nhân dân luôn yêu mến, tin cậy và ngưỡng mộ họ!
Nguyễn Thúy Hồng