Trạng nguyên Lương Thế Vinh sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) tại làng Cao Hương (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản - Nam Định). Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng, thông minh, nhanh trí, chưa đầy 20 tuổi mà tài học của ông đã nổi danh khắp vùng Sơn Nam.
Trạng nguyên toàn tài
Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Quý Mùi (1463) dưới triều Lê Thánh Tông, khi ông mới 23 tuổi. Sau khi đỗ Trạng, Lương Thế Vinh được bổ làm quan ở Hàn Lâm viện thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm Viện sự, đứng đầu viện Hàn lâm.
Là người có tài về ngoại giao, ông được nhà vua tin yêu giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Nhiều bài biểu do Lương Thế Vinh soạn gửi vua nhà Minh để giải quyết mối quan hệ giữa hai nước đều được vua Minh chấp thuận.
Năm 1493, Lương Thế Vinh được cử làm Độc quyển khảo quan kỳ thi Đình khoa Quý Sửu. Năm 1495 ông dự cuộc Tây chinh với vua Lê Thánh Tông, tham gia hội Tao Đàn và là người chuyên sửa chữa, phê bình thơ văn của hội.
Lương Thế Vinh là người tài hoa, uyên bác về mọi mặt như âm nhạc, giáo dục, toán học, văn học… Vì có nhiều phát minh trong toán học và ứng dụng thực tế đời sống nên dân gian còn gọi ông là Trạng Lường.
Có lần, trên đường đi kinh lịch qua cánh đồng, Lương Thế Vinh thấy hai người đang tranh cãi để chia đôi một mảnh đất có hình dáng phức tạp. Nghe chuyện, ông xắn quần lội xuống chỉ rõ cách chia công bằng.
Lại một lần khác, người ta đang phải tính chiều rộng của một khúc sông để chuẩn bị bắc cầu. Nước chảy rất xiết, thuyền bè qua lại căng dây khó khăn. Lương Thế Vinh dùng phương pháp “tam giác lượng” với các hình đồng dạng để đo chính xác chiều rộng sông. Sau khi bắc cầu, người ta đo lại thì quả không sai một tấc.
Để phổ biến kiến thức toán vào đời sống, Lương Thế Vinh đã soạn ra cuốn “Đại thành toán pháp”. Mở đầu cuốn sách Lương Thế Vinh đề bài thơ khuyên mọi người học toán: “Trước thời cho biết cách thương lường/ Tính toán bình phân ở cửu chương/ Thông hay mọi nhẽ điều vinh hiển/ Học lấy cho tinh giúp thánh vương”.
Thời xưa, công cụ tính toán còn nghèo nàn và chủ yếu vẫn là bấm đốt ngón tay. Lương Thế Vinh đã sáng chế một công cụ tính toán thuận lợi hơn - bàn tính gảy, chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam.
Điều thú vị là về sau, khi bàn tính gảy của Trung Quốc du nhập sang nước ta, thì hình dáng của chúng chẳng khác gì với bàn tính của Lương Thế Vinh. Đáng phục hơn nữa là cả các quy tắc tính toán cộng trừ nhân chia cũng đã được Lương Thế Vinh nghĩ ra trước.
Một lần sứ giả nhà Thanh là Chu Hy sang nước ta, vua sai Lương Thế Vinh tiếp đón. Chu Hy nghe Trạng Lường nổi tiếng về văn chương âm nhạc, tinh thông toán học. Nhân có con voi, Chu Hy thách: “Trạng thử cân xem con voi kia nặng bao nhiêu?”.
Trạng Lường chỉ về phía chiếc thuyền bỏ không, sai lính dắt voi xuống đánh dấu mực nước. Trạng ra lệnh đổ đá xuống thuyền cho tới khi thuyền chìm tới đúng dấu cũ, tính số cân đá, biết cân nặng của voi.
Sứ Tàu cả sợ, nhưng vẫn thử tài bằng cách đo bề dày tờ giấy. Lương Thế Vinh đo đạc, nhẩm tính và đưa ra đáp án. Sứ nhà Thanh ngửa mặt lên trời than: “Danh đồn không sai. Nước Nam quả lắm người tài! Lương Thế Vinh là kỳ tài”.
Lương Thế Vinh đáp lại rằng, người nghĩ ra cách cân voi thật sự là Tào Xung, con của Tào Tháo. Điều này càng khiến cho sứ giả hổ thẹn vì chưa thuộc sử nước nhà.
Vua xót nhân tài
Ngày 2/10/1496, Lương Thế Vinh qua đời tại quê nhà. Vua Lê Thánh Tông đã cho lập đền thờ trên nền nhà cũ làm thơ viếng và phong ông làm phúc thần làng Cao Hương. Bài thơ vua viếng Trạng có câu: “Khuất ngón tay than tài cái thế/ Lấy ai làm Trạng nước Nam ta”.
Theo các cao niên thôn Cao Phương, đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh thường được người Nam Định gọi là đền “cụ Trạng”. Di tích chính ở đây có 3 lớp nối tiếp nhau. Phía ngoài cùng đối diện với sân gạch là cung đệ tam.
Hai dãy giải vũ nằm trước cung đệ tam, đối diện với sân đền và quay mặt vào nhau. Mỗi dãy có ba gian, phía sau và hai bên xây tường bít dốc, đằng trước không có cửa. Nhà giải vũ hoàn toàn làm bằng gỗ lim nhưng với kiểu cách đơn giản, bao gồm vì kèo cầu cánh ác, bào trơn lắp mộng.
Đồ thờ tự và đồ tế khí ở đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh được bảo quản cẩn thận. Tại đây các nhang án, bát biểu, ngai thờ, kiệu bằng gỗ, các bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng, những đôi song bình, độc bình, bát hương, nậm rượu bằng gốm sứ còn rất nhiều.
Đặc biệt tại đền còn giữ được một tấm hình vẽ chân dung quan Trạng bằng sơn trên gỗ quý. Bức tranh khổ rộng 1m x 1m vẽ Lương Thế Vinh ngồi trên án thư, hai chân vẫn đi giầy, tay phải đặt trên đùi, tay trái mở ra. Ông có khuôn mặt phúc hậu, tư thế đĩnh đạc. Tương truyền bức vẽ này là của một họa sĩ người Trung Hoa vẽ tặng nhân dịp đi sứ.
Qua các triều đại, đền thờ “cụ Trạng” được nhiều nhà khoa bảng đến thăm viếng, đề thơ ca ngợi, làm câu đối cúng. Từ thời Lê đến thời Nguyễn đã có nhiều vị đại khoa như tiến sĩ Đỗ Quang Dần, Phạm Đạo Phú, Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến… đã đến và lưu lại dấu tích chữ nghĩa.
Bài văn đối sách
Đặc biệt, văn nhân mặc khách, nho sinh khoa bảng đến viếng đền “cụ Trạng” còn được đọc bài văn đối sách – thể hiện bản lĩnh, sự thông tuệ của một vị Trạng nguyên toàn tài.
Khoa thi Đình năm Quý Mùi (1463), đích thân vua Lê Thánh Tông ra đề. Bài của Lương Thế Vinh được vua phê “Quyển này tường tận, minh bạch, không hổ danh là một bài đối sách. Ðọc văn đó mà lòng bứt rứt không yên”.
Lương Thế Vinh làm bài văn đối sách với những phân tích, dẫn chứng sắc bén: “Thần cúi đọc sách của Thánh thượng hỏi - Thần kính nghĩ: Bệ hạ nối nghiệp tiền thánh, vận mở trung hưng, thường răn quần thần làm hết chức trách, thường muốn dùng người phải lấy công tâm, vỗ về rộng lớn để thành phong tục, làm sáng tỏ công lao chính là ở thời nay.
Thần kính xét Kinh Thư nói: “Việc trị loạn tại các quan”. Từ đó mà xem thì quan chức có được tu chỉnh hay không chẳng phải là rất quan hệ đến trị đạo hay sao? Thần trộm nghĩ thời nay, nếu cho rằng trăm quan đều không làm hết chức trách là không thể được.
Như Nội Mật Viện nắm các việc cơ mật, Bệ hạ đã giao cho Tể thần trông coi, lại chọn thêm văn thần để giữ việc, cố nhiên các vị này không có gì không làm nhưng trong số đó quả là không có sai sót hay sao?
Lại như Ngũ Ðạo Quan coi giữ các miền trong nước, Bệ hạ đã giao cho những người biết rõ đạo trị để giải quyết, lại chọn những người liêm khiết tài năng để giữ việc, những chức này cố nhiên đã chọn được người nhưng trong số đó quả hết thẩy đều là người tài giỏi chăng? Do đó cho nên các công việc chưa hoàn toàn sáng tỏ.
Ðến như việc hình luật... triều đình có quan lại chính trực tất gian tà không thể nổi lên, như thế thì trọng trách của các gián quan thế nào cũng có thể biết được. Nay những người làm việc ở Ðài Hiến cũng có những người cương trực hiền tài nhưng đã quả là ai cũng tài giỏi chưa?.
Phàm việc yên triều đình, trị muôn dân không gì trước hơn lễ, thay đổi phong tục không gì trước hơn nhạc. Việc nắm giữ lễ nhạc của bản triều thẩy quy tụ về Lễ Nghi Viện. Lễ nhạc dùng ở triều đình đã rất tốt đẹp nhưng đáng tiếc là vẫn chưa thấu xuống tận dân quê.
Việc giáo hóa thi hành thì phong tục tốt đẹp, đạo Thầy được đề cao tất người thiện mới nhiều, như thế thì giáo chức có quan hệ với trị đạo rất to lớn. Trách nhiệm giáo dục nhân tài của bản triều là ở các trường Quốc học, lộ học. Việc dậy văn nghệ đã có phép tắc nhưng cái đáng lo là chưa dậy cho thấu đáo về đức hạnh mà thôi.
Còn như của cải chưa phong phú là do chính sách tốt chưa làm trọn vẹn, hàng hóa chưa lưu thông chính bởi cấm lệnh chưa được triệt để thi hành… Thần trộm thấy thời nay các quan ở phủ, lộ, trấn, huyện, người làm hết chức trách thì ít, kẻ làm không hết chức trách thì nhiều? Nói những điều nói chỉ là những việc ngọn như xử kiện, thúc thuế…
Thần lại nghe: “Lúc này những người nắm quyền binh, xứng đáng với chức vụ thì ít, không xứng đáng với chức vụ thì nhiều”. Tiếng là võ quan mà thông thạo vũ lược được mấy người? Chức là cầm quân mà am hiểu tình quân được là bao? Vơ vét là việc triều đình nghiêm cấm mà vẫn lấy lạm của quân như thế; vỗ về thương xót lê dân là bản ý của triều đình mà vẫn coi thường cấm lệnh, hoành hành bạo ngược…”.