Nơi văn bia Lương Thế Vinh phát lộ

Nơi văn bia Lương Thế Vinh phát lộ

Cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu vẫn không lý giải được tại sao hai tấm bia đó lại nằm xếp úp mặt vào nhau. Qua các bản dịch cho thấy, tấm bia được Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn thảo phác họa 5 đời họ Nguyễn làng Kim Đôi từ cụ tổ Sư Húc.

Trạng nguyên giỏi toán

Trạng nguyên Lương Thế Vinh, sinh năm Tân Dậu (1441) tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản - Nam Định).

Chưa đầy 20 tuổi, tài học của Lương Thế Vinh đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam. Năm 23 tuổi, đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ tư (1463), Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mùi.

Văn bia cổ ghi tên 19 vị tiến sĩ của họ Nguyễn.

Nhà bác học Lê Quý Đôn sau này đã hết lời ca ngợi Lương Thế Vinh, đánh giá ông là con người có tài kinh bang tế thế “tài hoa danh vọng vượt bậc”. Sinh thời, Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn dạy học ở Quốc Tử Giám, Sùng Văn Quán và Tú lâm Cục là những trường cao cấp thời bấy giờ đào tạo nhân tài cho đất nước về văn chương và toán học.

Ông còn giữ chức Cấp sự trung khoa công, chuyên khảo sát việc tạo tác các công trình như cung điện, đền đài, thành quách, đường sá, đê điều... cần đến toán học.

Cuốn “Đại thành toán pháp” do Lương Thế Vinh soạn thảo là cuốn sách giáo khoa Toán đầu tiên ở nước ta. Sách dạy các kiến thức về số học, phương pháp đo lường bóng, hệ số đo lường, cách cân, đo, đong, đếm, định vị, đơn vị, tiền vải... dạy toán đạc điền...

Điều đáng chú ý là cuốn sách soạn từ thế kỷ XV, mà mãi đến thế kỷ XIX nó vẫn được dùng làm sách giáo khoa để dạy toán trong các trường học.

Ngoài toán pháp, người đời còn biết đến Trạng nguyên Lương Thế Vinh bởi tài văn chương nổi tiếng với các văn kiện ngoại giao.

Bên cạnh đó, Lương Thế Vinh còn giỏi viết thể ký khắc trên bia. Đương thời, đình đền nào Lương Thế Vinh soạn văn bia là vinh dự và niềm kiêu hãnh lớn. Tuy vậy, Lương Thế Vinh không tùy tiện “cho chữ” mà phải những nơi thực sự đáng “cho” mới hạ bút.

Ông Nguyễn Văn Bảo, trưởng đại diện dòng họ Nguyễn, hậu duệ đời thứ 19 dòng họ Nguyễn Kim Đôi thuộc xã Kim Chân (TP Bắc Ninh) dẫn chúng tôi ra đền thờ các vị tiến sĩ của dòng họ. Ngó qua những câu đối cổ, những đại tự vua ban mới thấy những hiển vinh mấy trăm năm trước.

Thì ra 2 vị Trạng nguyên là Lương Thế Vinh và Nghiêu Tư là bạn thân của các tiến sĩ họ Nguyễn. Năm 1484, 2 vị Trạng nguyên về làng Kim Đôi chơi mới rõ những hiển vinh học vấn thì ra tay viết một văn bia, mà tục gọi là văn bia Lương Thế Vinh.

Vốn giỏi toán pháp, nhưng Lương Thế Vinh cũng siêu cả văn nôm. Chỉ với 715 chữ mà phác thảo được 5 đời nội ngoại của họ Nguyễn. Trải qua mưa nắng dâu bể hơn 500 năm dưới lòng đất, văn bia ấy vẫn rõ nét để hậu thế có thể bình văn.

Ông Nguyễn Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh lấy làm tấm tắc về tấm văn bia ấy. Ông Nga bảo: “Đó là một văn bia quý. Nó không chỉ thể hiện ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn là một tuyệt bút của Trạng nguyên Lương Thế Vinh”.

Theo ông Nga, bia Lương Thế Vinh một mặt khắc ghi dòng chữ “Từ Mẫu Nguyễn Công kỵ thất Hoàng thị chi mộ chí”, mặt kia ghi chép về lai lịch dòng họ, công sinh thành nuôi dưỡng, giáo dục các con ăn học của cha mẹ và sự thành danh của các tiến sĩ dòng họ Nguyễn Kim Đôi.

Làng có 26 tiến sĩ

Mấy trăm năm trước, danh hiệu “tiến sĩ nhị thập lục” là dành riêng cho làng Kim Đôi, một làng nhỏ ven dòng sông Cầu. 26 tiến sĩ cả thảy sinh ra ở ngôi làng này. Đấy là con số thật của mấy trăm năm trước. Nhưng mấy chục năm nay, tức từ khi Nhà nước công nhận Kim Đôi là di tích lịch sử văn hóa thì con số 25 tiến sĩ là chính thức.

Văn bia 715 chữ của Trạng nguyên Lương Thế Vinh vẫn còn khá nguyên vẹn.

Ông Nguyễn Văn Bảo, cho hay: “Cả làng có 26 tiến sĩ, trong đó riêng họ Nguyễn là 19 vị, họ Phạm là 7 vị. Nhưng họ Nguyễn lại bị bớt 1 thành ra còn 18. Thế nên bảng ghi đầu làng cũng chỉ ghi có 18”.

Khởi đầu cho sự học và khoa bảng là hai anh em Nguyễn Nhân Bỉ và Nguyễn Nhân Thiếp thi đỗ đồng tiến sĩ năm 1466 đời vua Lê Thánh Tông. Em ruột của 2 ông là Bồng – Dư – Đạc sau này cũng nối tiếp tài năng mà đỗ tiến sĩ cùng thời và cùng làm quan trong triều.

Chuyện đỗ tiến sĩ xưa không phải là hiếm, cũng không phải lạ. Nhưng 5 anh em một nhà đều đỗ đạt và ở lứa tuổi rất trẻ (15 - 23 tuổi) thì chỉ duy có nhà họ Nguyễn. Thế nên, vua Lê Thánh Tông mới ban cho anh em họ đôi câu đối cổ: Thanh tuyền trúng tuyển nhân gian thiểu/Hoàng bảng thư danh bản tập đa.

Đời nối đời, dòng họ Nguyễn sau này còn thêm được 14 tiến sĩ. Người cuối cùng ghi danh “hoàng bảng” là Nguyễn Quốc Quang đỗ tiến sĩ năm 1700. Cụ Quang làm đến chức Tham chánh sứ Nghệ An.

Trong số 19 tiến sĩ họ Nguyễn, có 8 người làm đến chức Thượng thư, một số làm Tế tửu Quốc Tử Giám, số còn lại đều là trọng thần. Vì vậy, khi vua thiết triều thấy các quan số nhiều là người của họ Nguyễn, mới ban tặng đại tự: “Gia thế Kim Đôi/Chu tử mãn triều” (tức: Họ Nguyễn Kim Đôi/Áo gấm đầy triều).

Ngoài dòng họ Nguyễn, phải kể đến họ Phạm của ngôi làng nhỏ bé ven sông Cầu. Họ Phạm nguyên là họ Chúc ở Kinh Chủ (Kinh Môn – Hải Dương). 7 tiến sĩ họ Phạm ở Kim Đôi này là chi của cụ Liệu Khê húy Ngộ, người đã đi sứ nhà Nguyên cùng Mạc Đĩnh Chi và là tham tán quân vụ cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Trả lại lọ vàng, được đền ơn sâu

Ông Nguyễn Văn Bảo và các cao niên trong làng nói rằng không biết lý giải như thế nào về sự thành đạt của tiền bối xưa. Chỉ có giai thoại bí ẩn kể lại rằng: Cụ bà thủy tổ họ Nguyễn vốn tên là Hoàng Thị Hay là cháu ngoại của một đại tướng quân nhà Trần. Thời thế loạn lạc khiến bà phải lưu lạc khắp nơi. Sau một trận bão, bà ra xem một gốc cây bị đổ và nhặt được lọ vàng.

Các bức đại tự quý giá do vua ban cho dòng họ Nguyễn.

Một thời gian sau, có người đến bên gốc cây khóc lóc rầu rĩ. Cụ Hay ra hỏi sự tình mới biết lọ vàng là của người đang khóc bên gốc cây kia. Cụ đem trả lại mà không nhận tiền trả ơn. Một năm sau, người được cụ Hay trả lại lọ vàng quay lại đền ơn.

Người ấy bảo: Tôi có 2 mảnh đất tốt, một là nhất đại đế vương (một đời làm vua), hai là kế thế công khanh (đời đời làm quan), bà chọn đất nào? Cụ Hay chọn mảnh đất thứ hai. Vậy là người kia đem mộ tổ của bà đến Phao Sơn (Chí Linh – Hải Dương) chôn cất. Ngôi mộ tổ ấy ngày nay vẫn còn và hiện đang nằm trên núi Bạch Nhạn.

Giai thoại thứ hai là chồng cụ Hay tức thủy tổ họ Nguyễn Kim Đôi. Người này vốn là dòng dõi nhà Trần, đã có vợ và 3 người con, hiềm nỗi vợ mất lại phải chạy loạn. Một hôm, ông thấy có hai người đang tranh cãi về đất tốt và đất xấu.

Để công bằng, họ thống nhất cắm cành cây lên đó, nếu đất tốt thì cành vẫn xanh tốt, nếu đất xấu cành sẽ úa vàng sau một đêm. Ông tổ họ Nguyễn rình mãi, thấy cành cây ở mảnh đất Kim Đôi xanh tốt thì mới đánh tráo. Từ khi có đất tốt dựng nhà, thờ tự mộ phần thì sự học của dòng họ cũng phất lên như gió.

“Kim Đôi là một trong hai làng có nhiều tiến sĩ nhất Việt Nam, chỉ sau Mộ Trạch (Hải Dương). Văn bia Lương Thế Vinh còn lại ở dòng họ Nguyễn đã phác họa rất rõ nét về sự hiếu học và thành tài của các tiến sĩ xưa trong làng”, AHLĐ-NGND Nguyễn Đức Thịnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gia đình chị Đỗ Thị Hường thành công từ mô hình ươm cây giống.

Thoát nghèo từ nghề ươm cây giống

GD&TĐ - Gia đình chị Đỗ Thị Hường, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã vươn lên trở thành hộ gia đình làm kinh tế giỏi nhờ mô hình ươm cây giống.