Video Ba Lan dựng hàng rào dọc biên giới với Nga

GD&TĐ - Ba Lan đã ra lệnh xây dựng một hàng rào dài 210 km dọc theo toàn bộ biên giới với Nga nhằm ngăn chặn người di cư vượt biên.

Binh sĩ Ba Lan dựng hàng rào với biên giới Nga.
Binh sĩ Ba Lan dựng hàng rào với biên giới Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cáo buộc Moscow lên kế hoạch dàn xếp để người di cư châu Á và châu Phi vượt biên trái phép vào EU thông qua khu vực Kaliningrad của Nga. Do vậy, hàng rào được dựng lên để ngăn chặn tình trạng này.

Nói với phóng viên hôm 2/10, ông Blaszczak cho biết động thái trên diễn ra sau các báo cáo rằng Kaliningrad bắt đầu nhận các chuyến bay từ Bắc Phi và Trung Đông. Trong khi đó, các quan chức ở Warsaw bày tỏ lo ngại về việc lặp lại cuộc khủng hoảng di cư năm 2021 ở biên giới với Belarus.

Bộ trưởng Blaszczak cho biết hàng rào giữa Ba Lan và Nga sẽ bao gồm ba đường dây thép gai. Công việc dựng hàng rào bắt đầu từ thứ tư tuần này và do binh sĩ Ba Lan chuyên rà phá bom mìn thực hiện.

Năm ngoái, biên giới giữa Ba Lan và Belarus trở thành địa điểm của một cuộc khủng hoảng lớn khi hàng nghìn người di cư cố gắng vượt biên trái phép vào EU. Warsaw kể từ đó đã xây dựng một bức tường thép dọc theo biên giới với Belarus và cáo buộc Minsk đã thay mặt Nga tiến hành một “cuộc chiến tranh hỗn hợp” và gieo rắc hỗn loạn và chia rẽ trong EU.

Cả Moscow và Minsk đều bác bỏ những cáo buộc này. Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko giải thích chính phủ của ông chỉ đơn giản là không có đủ tiền trong ngân sách để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp do các lệnh trừng phạt của EU.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây sử dụng cuộc khủng hoảng người di cư để gây sức ép lên Minsk.

Ý tưởng về một đường biên giới kiên cố giữa Nga và Ba Lan lần đầu tiên được Tổng thư ký Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền Ba Lan, Krzysztof Sobolewski đề xuất. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow “không thể và sẽ không can thiệp vào những quyết định như vậy”.

Ông nói thêm: “Lịch sử luôn chứng minh sự ngớ ngẩn của các quyết định xây tường, bởi vì trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, tất cả các bức tường đều sụp đổ.

Vào cuối tháng 9, Cơ quan Vận tải Hàng không của Nga đã đưa ra chính sách “bầu trời mở” tại sân bay ở Kaliningrad, nhằm tăng khả năng tiếp cận của khu vực và giải quyết các vấn đề do việc đóng cửa không phận EU đối với tất cả các hãng hàng không Nga. Theo chế độ này, các hãng hàng không nước ngoài không chỉ được phép đi lại giữa nước sở tại của họ và Nga, mà còn có thể thực hiện các chuyến bay từ Kaliningrad đến các nước khác.

Theo RT/Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ