Vị thế của Việt Nam sẽ ở tầm cao mới sau khi tổ chức thượng đỉnh Trump - Kim

GD&TĐ - Tháng 6 năm ngoái, khi Singapore làm chủ nhà cho thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, giới doanh nhân trong thành phố này đã thu được lợi nhuận với hàng hóa mang chủ đề thượng đỉnh và các sự kiện bên lề. 

Tổng thống Donald Trump và Lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore trong thượng đỉnh đầu tiên
Tổng thống Donald Trump và Lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore trong thượng đỉnh đầu tiên

Khoảng 2.500 nhà báo đã tới Singapore và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã được trích lời khi ông nói rằng thượng đỉnh này đã làm tăng hình ảnh đất nước ông ra thế giới.

Giờ đây Việt Nam – với vai trò là nơi tổ chức thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ 2 vào 27-28 tháng 2 tới – sẽ còn nhận được nhiều hơn như vậy, theo các chuyên gia.

Theo nhà báo Ralph Jennings của hãng tin VOA, Việt Nam sẽ có được sự tôn trọng từ các nước có hệ thống chính trị khác nhau và điều này có lợi cho chính sách đối ngoại đa quốc gia, đồng thời Việt Nam sẽ có được danh tiếng là đất nước của các sự kiện, bao gồm các sự kiện lớn tầm quốc tế.

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, Australia nói rằng “tất cả các bên tham gia là Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đều tin tưởng Việt Nam sẽ là một chủ nhà trung lập”. Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên – quốc gia mà Mỹ đang lo ngại phát triển vũ khí hạt nhân.

Thành công của Việt Nam sẽ tái khẳng định tính đúng đắn trong chính sách ngoại giao “đa dạng hóa, đa phương hóa” trong mối quan hệ đối ngoại và trở thành “một người bạn tin cậy cho tất cả mọi người” – ông Thayer nói – “Việt Nam sẽ có lợi từ đòn bẩy có được khi làm chủ nhà cho thượng đỉnh Mỹ Triều lần thứ hai”.

Mối quan hệ với nền kinh tế lớn nhất thế giới

Tuy một thời bị chiến tranh tàn phá nhưng nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kể từ cuối những năm 80, Việt Nam sẽ được Mỹ chú ý đặc biệt tại thượng đỉnh.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài được thu hút do giá nhân công rẻ đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6-7% kể từ năm 2012. Chỉ trong tháng trước, đầu tư nước ngoài đã tăng 27,4% so với cùng tháng năm ngoái. Cũng trong tháng trước, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – một thỏa thuận thương mại tự do chiếm 13,5% nền kinh tế thế giới.

Chính phủ Mỹ đã đặt Việt Nam dưới lệnh cấm vận 19 năm cho tới 1994.

Những người tiêu dùng Mỹ đã hướng đến Việt Nam để mua giày, quần áo, thiết bị điện tử, trong khi đó các công ty Mỹ ngày càng xem giới trung lưu Việt Nam là một thị trường xuất khẩu tiềm năng – Nhà kinh tế Rajiv Biswas của công ty nghiên cứu HIS Markit cho biết.

“Mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ sẽ là một điểm nhấn trong thượng đỉnh này” – ông Biswas nói – “Mặc dù thượng đỉnh đương nhiên là giữa Mỹ và Triều Tiên nhưng việc Tổng thống Trump thăm Việt Nam cũng là một yếu tố rất tích cực cho Việt Nam. Nó tạo ra cơ hội cho đối thoại song phương”.

Mối quan hệ Mỹ - Việt Nam đang “chuyển sang một cấp độ mới cao hơn” – ông Biswas nói và cho rằng thượng đỉnh này là một tiêu điểm của xu hướng này.

Năm 2017, Tổng thống Trump đã khen ngợi tiến bộ kinh tế của Việt Nam là một “điều kỳ diệu”. Bình luận này của ông như nói với Triều Tiên rằng một nước có chung hệ thống chính trị giống Việt Nam cũng có thể phát triển – ông Frederick Burke, một đối tác của công ty luật Baker McKenzie ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Tại thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore, hai nhà lãnh đạo đã có tuyên bố chung trong đó Mỹ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và thể hiện cam kết cắt giảm vũ khí hạt nhân
Tại thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore, hai nhà lãnh đạo đã có tuyên bố chung trong đó Mỹ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và thể hiện cam kết cắt giảm vũ khí hạt nhân

Khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế

Theo các nhà phân tích, thượng đỉnh này cũng đưa Việt Nam vào danh sách các sự kiện quốc tế lớn. Ông Thayer cho rằng các nước ở châu Á “biết Việt Nam có khả năng cung cấp an ninh, chỗ ở tuyệt vời và kinh nghiệm ngoại giao chuyên nghiệp để quản lý một hội nghị thượng đỉnh cấp cao”.

Cuộc gặp của các lãnh đạo Khối Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương gồm 21 thành viên đã diễn ra ở thành phố biển Đà Nẵng năm 2017. Sang năm, Việt Nam sẽ chủ trì Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 nước thành viên – một vai trò đòi hỏi phải tổ chức một loạt sự kiện quy mô lớn.

Uy tín về chính trị

Theo ông Burke, Việt Nam - vốn đã có được sự tin tưởng từ các bên tham gia thượng đỉnh - sẽ tiếp tục được ghi nhận cho việc ủng hộ nỗ lực hòa bình trong khu vực nếu hai bên tham gia thượng đỉnh có được tiến bộ trong việc xử lý vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

“Đó là vị thế trong cộng đồng quốc tế, không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà thực sự đó là một người đi đầu đã lên cấp cao nhất của mối quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế” – ông Burk nói.

Giống như các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam theo đuổi một chính sách ngoại giao cân bằng để có được lợi ích về an ninh và kinh tế từ phía Trung Quốc và các cường quốc phương Tây.

Theo VOA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.