Dữ liệu được Chính phủ Ấn Độ công bố hồi đầu tháng 2 cũng chỉ ra số lượng sinh viên Ấn Độ du học đã tăng 68%, lên hơn 750 nghìn sinh viên trong năm 2022.
Những con số này thể hiện trong những năm qua, số lượng sinh viên Ấn Độ chọn học tập ở nước ngoài đã gia tăng đáng kể. Đáng chú ý, trong xung đột Nga - Ukraine, sinh viên Ấn Độ vẫn tiếp tục lựa chọn Ukraine làm điểm đến học tập, nhất là sinh viên trong lĩnh vực Y khoa, bất chấp chính phủ đã cảnh báo về mức độ nguy hiểm khi du học.
Nhiều học giả dự đoán Ấn Độ sẽ “soán ngôi” Trung Quốc về số lượng sinh viên du học quốc tế trong tương lai. Có nhiều nguyên nhân đằng sau sự gia tăng này. Một trong những lý do chính là nhu cầu bị dồn nén trong đại dịch.
Ông Piyush Kumar, Giám đốc Tổ chức giáo dục IDP khu vực Nam Á và Mauritius, cho biết: “Trong thời kỳ đại dịch, số lượng sinh viên Ấn Độ đi du học giảm mạnh. Việc mở lại biên giới quốc tế giúp nhiều sinh viên nối lại kế hoạch du học, vốn bị trì hoãn. Do đó, số lượng du học sinh gia tăng đột biến”.
Ngoài ra, nền kinh tế Ấn Độ đang trỗi dậy và giáo dục là một trong những con đường chắc chắn nhất giúp thanh thiếu niên Ấn Độ tìm được công việc ổn định và chỗ đứng trong sự trỗi dậy đó.
Ông Bhaskar Chakravorti, Trưởng khoa Kinh doanh Toàn cầu, Trường Fletcher, Đại học Tufts, Mỹ, phân tích: “Các vị trí tuyển dụng tại Ấn Độ hiện nay đều có tính cạnh tranh cao. Việc thi tuyển vào các trường đại học cũng vậy. Do đó, ngày càng nhiều sinh viên lựa chọn học tập và nhận bằng từ các cơ sở giáo dục quốc tế để tạo nên sự khác biệt và nâng giá trị của bản thân lên tầm quốc tế”.
Ông Jagadesh Kumar, Chủ tịch Ủy ban Tài trợ Đại học Ấn Độ, khẳng định: “Du học là lựa chọn tự do của sinh viên. Việc thành lập các trường quốc tế tại Ấn Độ giúp sinh viên có thêm một lựa chọn tiếp cận nền giáo dục chất lượng nhưng không đồng nghĩa sẽ kéo tất cả ở lại trong nước”.
Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ đang được mở rộng và họ muốn đầu tư cho con cái để thoát nghèo và góp tên mình trong những tầng lớp cao trong xã hội. Giáo dục, nhất là giáo dục quốc tế, chính là con đường đưa thanh thiếu niên đến với mục tiêu đó.
Đánh giá về chất lượng giáo dục, học giả Harsh Bharwani cho hay, nhiều sinh viên Ấn Độ tin rằng các cơ sở giáo dục nước ngoài có chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất lẫn nguồn lực tốt hơn trong nước.
Đơn cử, khi du học tại các quốc gia giáo dục hàng đầu như Anh, Mỹ, các em có thể tiếp cận những công nghệ mới nhất, làm việc với đội ngũ giảng viên hàng đầu và các nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.
Còn trong nước, nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng ứng viên có bằng cấp từ các cơ sở giáo dục uy tín tại nước ngoài. Bằng cấp quốc tế cũng thể hiện ứng viên là người có kỹ năng giao tiếp đa văn hóa và tư duy đổi mới.
Nhằm ngăn tình trạng chảy máu chất xám, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép thành lập chi nhánh của các cơ sở giáo dục đại học quốc tế tại Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo động thái này cũng không thể làm suy giảm số lượng sinh viên du học.
Hơn nữa, với việc Australia tăng thời gian ở lại cho sinh viên sau tốt nghiệp để tìm việc làm, sức hút của du học đối với thanh thiếu niên Ấn Độ chỉ tăng không giảm.