Vì sao người lao động có xu hướng 'nhảy việc'?

GD&TĐ - Môi trường làm việc, chế độ lương thưởng thấp khiến người lao động không đủ sống chính là yếu tố hàng đầu khiến họ quyết định “nhảy việc”.

Người lao động được phỏng vấn tại một trung tâm việc làm. Ảnh: Phạm Hiền
Người lao động được phỏng vấn tại một trung tâm việc làm. Ảnh: Phạm Hiền

Môi trường làm việc, chế độ lương thưởng thấp khiến người lao động không đủ sống chính là yếu tố hàng đầu khiến họ quyết định “nhảy việc”. Mong muốn chung của họ là mức lương phải bảo đảm nuôi sống được bản thân và gia đình. Trong khi người lao động kỳ vọng nhiều về yếu tố cân bằng công việc và cuộc sống thì các doanh nghiệp lại đang làm yếu nhất yếu tố này.

Nghỉ việc vì lương thấp, lâu tăng lương

Đang trên hành trình đi tìm việc mới, chị Trần Thị Hương Ly (trú tại Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đang tìm một công việc nhẹ nhàng phù hợp với nhu cầu của bản thân như nhân viên chăm sóc khách hàng, lễ tân... Trước đây, chị đã gắn bó với công việc này 2 năm nhưng công ty không tăng lương. Mức lương thời điểm nghỉ việc chị nhận là 6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập ấy, vừa đủ chi tiêu cho các mục đích cá nhân.

Khi mới vào làm, chị Ly luôn nỗ lực phấn đấu và xác định cống hiến rất lâu cho doanh nghiệp với mong muốn tiền lương được tăng thêm để nuôi sống bản thân và gia đình. “Trong công việc thì cạnh tranh, áp lực, còn mức lương thì thấp không đủ sống nên tôi đã quyết định nghỉ việc. Hiện tại, tôi đang muốn tìm công việc lương đủ sống, ổn định và môi trường làm việc tốt hơn”, Ly cho hay.

Cũng nghỉ việc do vấn đề tiền lương, chị Thu Thuỳ (trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị làm nhân viên sự kiện ở một công ty khá lớn, với mức lương cơ bản là 8 triệu đồng/tháng (chưa kể phụ cấp). Tuy nhiên, dù có cố gắng thì mức lương kể cả phụ cấp cũng chưa bao giờ quá 10 triệu đồng/tháng. Theo chị Thuỳ, ở thành phố, với mức thu nhập như trên khó để bản thân sống thoải mái, chưa nói đến việc chị đang đi thuê nhà, có con nhỏ,… Đó cũng chính là lí do chị Thuỳ thường “né” những lần tụ tập cùng đồng nghiệp. “Lương thấp nên chi tiêu gì cũng đắn đo, dè sẻn, nhiều khi vợ chồng em cũng lục đục. Em đã nhiều lần tính đến bỏ việc nhưng cứ cố phấn đấu để mong tăng lương, nhưng qua nhiều đợt, lương thưởng không đáp ứng được cuộc sống thì phải từ bỏ tìm công việc lương phù hợp thôi”, chị Thuỳ chia sẻ.

Chị Thuỳ cũng cho rằng, bên cạnh tiền lương, môi trường doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến cho nhân viên rời bỏ. “Môi trường làm việc hoàn hảo là môi trường phải đáp ứng được hai yêu cầu như về trang thiết bị, không gian sạch sẽ, thoáng mát, đầy đủ chỗ ngồi, bàn ghế… Nhưng thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp “kìm hãm” sự phát triển của nhân viên khiến họ nhận thấy bản thân thật tẻ nhạt, công việc lặp lại không có tính thách thức, không tạo cơ hội để nhân viên chứng tỏ bản thân. Đó cũng là một lí do khiến em lựa chọn đi tìm một công việc mới”, chị Thuỳ cho biết thêm.

Đâu là nguyên nhân?

Từ các khảo sát mới đây của Anphabe cho thấy, tỷ lệ những người lao động đã nghỉ việc muốn chuyển sang ngành khác rất cao. Trung bình cứ 10 người nghỉ việc, có 4 người muốn chuyển sang ngành khác (chiếm 40%).

Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc tại Anphabe thông tin, việc người lao động nghỉ việc muốn chuyển sang ngành khác sẽ tạo ra sự biến đổi lớn về cấu trúc ngành nhân lực, khiến cho việc tuyển người vốn đã khó càng khó hơn, do nguồn cung giảm với những ngành đòi hỏi nhân sự chuyên môn. Ngược lại, với các ngành và doanh nghiệp có độ cởi mở đón nhận nguồn nhân lực mới từ các ngành khác, đây lại là cơ hội.

Ngoài ra, khi nghỉ việc, thay vì tiếp tục lựa chọn hình thức làm việc toàn thời gian cho các công ty, 14% người đi làm chia sẻ rằng họ sẽ nghỉ việc để làm công việc tự do (Freelance); 39% chọn làm công việc cố định nhưng vẫn sẵn sàng làm công việc Freelance hoặc làm thêm công việc thứ 2 (ví dụ bán hàng online).

Con số này cũng phản ánh một xu hướng mới của người đi làm hậu Covid-19. Đó là thích chọn những hình thức công việc có nhiều tự do, thoải mái hơn, và vì thế khẳng định xu hướng nền kinh tế chia sẻ sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nguyên nhân cho tình trạng nghỉ việc ồ ạt và người ra đi cũng không mặn mà giữ quan hệ tốt với công ty cũ được bà Thanh nhận định là do mức độ gắn kết của người đi làm Việt Nam đang thấp chưa từng có.

Trong đó, các biểu hiện thiếu tích cực nhất bao gồm việc người lao động thấy mơ hồ về tương lai tại công ty; không tìm thấy niềm vui và sự hứng khởi khi đi làm; bị mệt mỏi và thiếu tinh thần để làm tốt công việc.

Khảo sát xu hướng người đi làm khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Linkedin cũng khẳng định, trong khi người lao động kỳ vọng nhiều nhất ở môi trường làm việc về yếu tố cân bằng công việc và cuộc sống, thì các doanh nghiệp lại đang làm yếu nhất yếu tố này.

Tình trạng “thừa thách thức, thiếu cân bằng” dẫn tới kiệt sức nơi công sở là nguyên nhân lớn của xu hướng nhảy việc ồ ạt và xáo động về định hướng làm việc đang diễn ra.

Theo thống kê của Anphabe, cứ 10 người “nhảy việc” trong vòng một năm thì có 7 người có ý định tìm việc mới. Anphabe tạm gọi đó là “cú sốc hậu nhảy việc” với hai nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất, mặc dù nghỉ việc để tìm kiếm sự thay đổi mới, nhiều người lao động vẫn gặp phải cùng một vấn đề cũ tại công ty mới...

Bên cạnh đó, cách quản lý của lãnh đạo trong bình thường mới tại nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của người lao động hiện nay – thiếu truyền thông tức thời trong thay đổi, thiếu dứt khoát trong hành động và thiếu trao đổi, lắng nghe hai chiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tin đăng viec lam kho tại Vieclam24hCách tạo mẫu cv chuẩn