Nhân sự “nhảy việc“doanh nghiệp lo ngại

GD&TĐ - Theo khảo sát của JobStreet.com - trang tuyển dụng trực tuyến hàng đầu tại châu Á, hơn 68% công ty cho biết có nhu cầu tuyển dụng ngành Kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2016. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho người lao động nhưng các nhà tuyển dụng vẫn đang gặp nhiều khó khăn để tuyển được nhân sự theo ý muốn.

Nhân sự “nhảy việc“doanh nghiệp lo ngại

Tăng thêm 71%

Thị trường lao động tại Việt Nam đang ngày một năng động hơn khi rất nhiều các công ty cho biết nhu cầu tuyển dụng dự kiến 6 tháng đầu năm 2016 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Theo thống kê của JobStreet.com Việt Nam, chỉ trong chưa đầy 2 tháng (31/1 - 22/3), số lượng mẩu tin tuyển dụng đã tăng đến 71%, so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng đến 203%.

JobStreet.com Việt Nam đã thực hiện khảo sát với hơn 370 nhà tuyển dụng trong quý I/2016, gần 95% công ty cho biết có nhu cầu tuyển dụng trong 3 - 6 tháng tới và 81% cho biết nhu cầu này cao hơn hẳn so với năm 2015. Trong đó, ngành Kinh doanh, Tiếp thị, Công nghệ thông tin - máy tính và Kỹ thuật tiếp tục dẫn đầu danh sách các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2016, đặc biệt là ngành Sales. Có đến gần 70% nhà tuyển dụng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho bộ phận kinh doanh/bán hàng trong 3 tháng tới.

Thực tế cho thấy, việc kiếm một công việc trong ngành với mức lương, chế độ đãi ngộ tốt hơn đang là điều mà nhiều ứng viên ngành Kinh doanh đang hướng đến. Tuy nhiên, nguyên nhân nhu cầu tuyển dụng ngành Kinh doanh luôn “nóng” được các nhà tuyển dụng chia sẻ là do tỷ lệ nhảy việc của ngành này còn rất cao. Cũng trong khảo sát của JobStreet.com vào tháng 3/2016 về thói quen ứng tuyển của ứng viên, 73% cho rằng môi trường làm việc là thông tin hàng đầu để họ quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển. Đáng chú ý, chỉ 23% ứng viên cho rằng danh tiếng công ty là yếu tố hàng đầu để cân nhắc nộp đơn ứng tuyển.

Lương và yêu cầu công việc chưa hợp lý

Theo số liệu thông kê của JobStreet.com Việt Nam, cả ứng viên và nhà tuyển dụng đang lựa chọn mạng việc làm là kênh hàng đầu so với những kênh truyền thống như báo/đài khi có nhu cầu tuyển dụng/tìm việc… Cụ thể, 91% đối với nhà tuyển dụng đang chọn mạng việc làm là kênh tuyển dụng chính và con số này với ứng viên là 65%. Tuy nhiên, thực trạng người lao động không nhận được lời mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng vẫn khá phổ biến. Điều này được nhiều nhà tuyển dụng lý giải một phần là do những đòi hỏi về mức lương, thưởng của những ứng viên chưa hợp lý với vị trí, trình độ và yêu cầu công việc.

Là một vị trí được tuyển dụng rất lớn và thường xuyên, chiếm đến khoảng 40% nhu cầu của các doanh nghiệp, trong khi đó, nguồn cung lại chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ. Mức độ ổn định thấp trong công việc là yếu tố chính khiến cho sinh viên mới ra trường hay bất cứ một ứng viên nào cảm thấy dè chừng khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh. Di chuyển nhiều ngoài đường vất vả, gặp và ứng xử với nhiều kiểu người khác nhau là điều không phải ai cũng thích ứng được. Trong khi đó, cần phải đạt được mức chỉ tiêu về doanh số thì mới có được mức lương ổn định, nếu không thì ắt hẳn sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”.

Tâm lý lo sợ phải đối mặt với nhiều khó khăn cũng như những áp lực lớn đã khiến nhiều sinh viên ra trường không bao giờ dám đặt chân vào mảng công việc này, trong khi nhân viên kinh doanh được xem là vị trí có thể mang lại cho họ nhiều kỹ năng, kinh nghiệm nhất khi vừa mới bước ra khỏi giảng đường đại học.

Kinh nghiệm trong tuyển dụng nhân sự kinh doanh đối với doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, khi đã thấy được nhân sự phù hợp cần phải nhanh chóng tìm cách để giữ chân họ ở lại với doanh nghiệp. Đối với vị trí tuyển dụng, thể hiện nó một cách rõ ràng, chính xác trong bản mô tả công việc để các ứng viên nhận biết cụ thể về những gì mình sẽ làm.

Từ đó, các bên sẽ đánh giá được sự phù hợp của đối phương đối với mình. Bên cạnh đó, kiên nhẫn là yếu tố quyết định đến 80% sự thành công khi tuyển dụng nhân viên kinh doanh. Nhà tuyển dụng không nên vội vàng lựa chọn một ứng viên chỉ vì mình đang cần người, để rồi chỉ sau một thời gian ngắn lại tiếp tục tìm kiếm người mới thay thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.