Lao động “nhảy việc” sau Tết

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bên cạnh số đông người lao động tiếp tục gắn bó với công việc mình đã làm vẫn có một số người đi tìm chỗ làm mới với mong muốn thay đổi thu nhập và số phận của mình. 

Lao động “nhảy việc” sau Tết

Tuy không ồn ào và náo nhiệt như các năm trước đây, sau Tết Mậu Tuất năm nay, tình trạng đó lại tiếp tục diễn ra như một quy luật mà các chuyên gia kinh tế đã dự báo được từ trước.

Năm mới, chuyện… cũ

Giữa năm 2017, chị Thanh Giang, ngụ ở P. 24, Q. Bình Thạnh được một công ty mới thành lập được nhận vào làm với chức danh là nhân viên thử việc tại Q.10, TPHCM. Tuy nhiên sau 10 ngày về quê ở Bình Thuận nghỉ Tết, chị quyết định chuyển sang làm ở một công ty khác.

Chị Giang giãi bày: “Mỗi lần đi xin việc không phải chuyện đơn giản nhưng sau khi làm ở công ty ở Q.10 tôi thấy công việc không phù hợp hơn nữa số lượng nhân viên được tuyển vào thử việc quá nhiều”.

Cũng vào năm 2017 sau khi hưởng cái Tết Đinh Dậu cùng với bố mẹ và người thân ở Quảng Trị, anh Võ Tiến H. một kỹ sư xây dựng đã tạm xa đơn vị cũ ở Vũng Tàu để làm việc cho một chủ thầu ở Đồng Nai với lý do chỗ cũ chưa phù hợp với chuyên môn và năng lực của mình.

“Nhờ người nhà gửi gắm tôi được nhận vào làm ở Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh nhưng tôi thấy công việc quá nhạt nhẽo thu nhập lại thấp nên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2 tuần tôi đã quyết định về TP Biên Hòa tìm công việc mới” - anh H. chia sẻ.

Tuy không phải là hiện tượng “chảy máu chất xám” đáng báo động nhưng tình trạng người lao động thay đổi công việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán luôn trở thành một xu thế bất biến trong thị trường lao động tại các địa phương.

Đây chính là lý do làm cho các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên bất ngờ rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân công ngay sau khi khai trương công việc cho năm mới. Quy luật này đã dẫn đến hệ quả là hàng năm sau Tết cổ truyền mức thiếu hụt nhân lực lao động ở một số ngành nghề phải đến mức báo động trở thành bài toán nan giải cho các chủ sử dụng lao động do trở tay không kịp.

Ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, tỷ lệ người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm sau Tết thường ở mức 66%. Đây cũng là kết quả khảo sát của JobStreet.com, mạng quảng cáo việc làm số 1 trong khu vực Đông Nam Á.

Theo dự đoán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, sau Tết Nguyên đán 2018 các doanh nghiệp cần khoảng 30.000 chỗ làm việc, tức là thiếu hụt lao động từ 3% đến dưới 5%. Trong đó đáng chú ý một số ngành thiếu hụt với tỷ lệ cao từ 8 - 10% như dệt, may, chế biến, dịch vụ - phục vụ nhà hàng, khách sạn... Tuy tỷ lệ không cao nhưng điều này cũng có lý do vì hầu hết là lao động chân tay và chủ yếu là dân nhập cư.

Như vậy so với năm 2017, mức độ thiếu hụt lao động sau Tết năm nay chỉ dưới 3%, mức độ dịch chuyển lao động cũng ở mức 15%. Trong lúc đó năm 2016, thiếu hụt lao động từ 3% đến 4%, mức độ dịch chuyển lao động trong các doanh nghiệp bình quân từ 6 đến 8%.

Sợi dây gắn bó vô hình

Về nguyên nhân theo ông Lê Quang Trung, những người có nhu cầu thay đổi công việc sau một năm ký hợp đồng thường chưa thật sự gắn bó với công việc mình đang làm. Bên cạnh đó, chế độ lương bổng đãi ngộ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến trách nhiệm gắn bó công việc của người lao động.

Đây cũng là lý do mà chị Hằng và một số bạn bè của mình đã bỏ một xí nghiệp may xuất khẩu ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để về Bà Rịa tìm công việc khác có thu nhập cao hơn. Theo chị Hằng, tuy chỗ mới đồng lương cũng không khá hơn bao nhiêu nhưng luôn có sự quan tâm của tổ chức công đoàn về chế độ nghỉ phép, thai sản, ốm đau nên anh em gắn bó hơn với công việc dù có nhiều áp lực về thời gian.

Điều này đúng như ý kiến của một đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM đã từng phát biểu muốn lao động không còn thiếu thì cần giải quyết tận gốc nguyên nhân. Có nghĩa là tổ chức công đoàn và các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt hơn bằng việc chăm lo, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tuyên truyền, động viên người lao động kịp thời.

Chẳng hạn như việc hỗ trợ đưa và đón miễn phí lao động trước và sau kỳ nghỉ Tết về quê, nhiều doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện việc tăng lương tối thiểu cho người lao động để người lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp và đi làm đầy đủ vào đầu năm mới.

Ngày 8/2/2018, nhiều công nhân quê ở các tỉnh miền Trung được Công ty Sài Gòn Food quan tâm đưa về quê ăn Tết bằng 14 chuyến xe giường nằm chất lượng cao. Quan tâm hơn Ban giám đốc công ty còn trực tiếp ra bến xe tặng quà và chia tay với anh chị em công nhân trong cơ quan trước giờ xe chuyển bánh. Anh Trương Thanh Trung – phụ trách kho thành phẩm quê ở Hà Trung phấn khởi: “Với công nhân mỗi năm chỉ được về quê ăn Tết có một lần.

Việc mua vé tàu xe không chỉ khó khăn mà còn quá đắt và không an toàn đối với những người lao động có thu nhập thấp. Sự quan tâm chu đáo của Ban giám đốc làm cho anh em rất cảm động và thật sự gắn bó với công ty dù công việc sau này có khó khăn đến mấy”. Đây chính là sợi dây vô hình gắn kết người lao động với người sử dụng lao động để anh em thủy chung với công việc và nơi làm mà mình đã lựa chọn.

Tình trạng thay đổi việc làm hàng năm là chuyện khó tránh khỏi nhưng nếu được sự quan tâm của Ban giám đốc đặc biệt là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên thì hầu hết người lao động luôn cảm thấy ấm lòng với những tình cảm và thái độ đối xử của người sử dụng lao động.

Tết Mậu Tuất vừa qua, với 21 chuyến xe đò, ngày 9/1, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM đã cố gắng đưa 1.000 thanh niên là công nhân về các tỉnh miền Trung vừa bị bão lụt về quê ăn Tết. Đó cũng là chương trình đầu tiên của T.Ư Đoàn TNCS HCM tặng 50 vé máy bay miễn phí cho công nhân tỉnh Đồng Nai về quê đón Tết.

Đây chính là cách níu kéo nhẹ nhàng nhất để cho các công ty, xí nghiệp không phải lao đao tuyển nhân lực mới sau một kỳ nghỉ lễ Tết để có một năm mới vận hành công việc suôn sẻ và đạt hiệu quả tốt. Có lẽ vì thế mà tỷ lệ tình trạng nhảy việc sau Tết Mậu Tuất năm nay đã được kéo giảm một cách đáng kể báo hiệu một tương lai tươi sáng hơn so với những năm trước đây.

Cơ chế quản lý và cách sử dụng người lao động hợp lý và thấu tình luôn là bài học không bao giờ thừa đối với các ông chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong suốt một năm làm việc chứ không chỉ một tháng cuối cùng của năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ