Nhưng theo chia sẻ của nhiều đại diện doanh nghiệp, khó khăn lớn là nguồn nhân lực ngành đóng tàu chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thiếu nhân sự chất lượng
Công ty Cổ phần Nosco Shipyard (thôn 4, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có hoạt động chính hiện nay là sửa chữa tàu biển và hướng tới sẽ đóng mới, nâng cấp và hoán cải tàu, xây dựng mô-đun quy mô lớn cũng như đóng các tàu chuyên dụng cho các hoạt động vận tải biển.
Đây là một nhà máy còn “non trẻ” với 6 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành đóng tàu nhưng đã tiếp nhận hàng trăm lượt tàu trong và ngoài nước vào sửa chữa, chủ yếu cỡ tàu từ 30 DWT - 10 DWT.
Bà Trần Thị Hồng Nhung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nosco Shipyard - cho hay, 2 năm gần đây dù khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng Công ty Nosco vẫn đảm bảo số lượng tàu vào nhà máy sửa chữa tăng dần. Năm 2021, công ty tiếp nhận sửa chữa 68 tàu. Trong năm 2022, trung bình mỗi tháng công ty tiếp nhận, sửa chữa từ 8 - 10 tàu.
Hiện, Công ty Nosco có 350 người, số lượng lao động của nhà thầu phụ khoảng gần 1.000 người. Dự kiến năm 2022 và các năm tiếp theo, công ty cần tuyển dụng bổ sung thêm khoảng 500 - 700 lao động và khoảng 200 kỹ sư, quản lý có trình độ. Trong đó rất cần những kỹ sư, công nhân ngành đóng tàu có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Sơn Hà (xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) - chia sẻ: Ngành đóng tàu hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, dịch bệnh Covid-19. Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố mà nguồn nhân lực ngành đóng tàu bị suy giảm. 3 năm gần đây dù công ty đang rất cần nguồn nhân lực của ngành này và gửi công văn xin tuyển dụng nhân lực tới Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nhưng vẫn không tuyển được một nhân sự nào. Với sự phát triển kinh tế, sự vực dậy của ngành đóng tàu thì nhu cầu nguồn nhân lực dần tăng lên theo từng năm.
PGS.TS Trần Ngọc Tú - Phó Trưởng khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - thông tin, hiện nay, Khoa Đóng tàu đang quản lý 2 chuyên ngành đại học chính quy, cấp bằng kỹ sư với thời gian đào tạo 4,5 năm. Ngành thiết kế tàu và công trình ngoài khơi, chỉ tiêu xét tuyển 45 sinh viên; ngành đóng tàu và công trình ngoài khơi với 45 chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong những năm gần đây, việc tuyển sinh ngành đóng tàu tại trường liên tục sụt giảm cả về số lượng và chất lượng đầu vào. Thời “hoàng kim” của ngành đóng tàu, năm 2008, khoa tuyển sinh được 6 lớp với 395 sinh viên với điểm đầu vào là 20 điểm, cao nhất trường. Đến năm 2019, tổng số sinh viên vào học Khoa Đóng tàu chỉ là 13 người, trên tổng 90 chỉ tiêu, giảm 97% so với năm 2008. Mặc dù, năm 2019 điểm trúng tuyển đầu vào Khoa Đóng tàu chỉ 14 điểm (bằng điểm sàn quy định của Bộ GD&ĐT).
Theo thầy Tú, 2 năm gần đây tuyển sinh ngành đóng tàu có khởi sắc. Năm 2020 tuyển được 33 sinh viên và năm 2021 là 52 em, nhưng số điểm đầu vào vẫn không được cải thiện.
Do số lượng tuyển sinh đầu vào sụt giảm, nên số lượng sinh viên đầu ra giảm dần. Nếu như năm 2010 tổng số sinh viên tốt nghiệp là 339 sinh viên thì đến năm 2021 giảm xuống còn 38 em. Dự báo những năm tiếp theo số lượng sinh viên ra trường còn giảm.
Bên cạnh số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường sụt giảm, thì tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp/tổng số sinh viên nhập học chỉ khoảng 60% đến 65%. Như vậy, theo tính toán của Khoa Đóng tàu, ở các năm từ 2022 - 2025 số lượng nhân lực ngành đóng tàu tốt nghiệp ra trường sẽ rất ít, chỉ khoảng 10 đến 20 sinh viên/năm.
“Hút” sinh viên bằng minh chứng thực tiễn
Cũng theo thông tin từ Khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, quá trình khảo sát việc làm của sinh viên ngành đóng tàu sau tốt nghiệp từ năm 2017 - 2021 trung bình có 86% sinh viên có việc làm. Sinh viên làm việc cho các công ty, tổ chức tư nhân trong nước chiếm đa số với tỉ lệ khoảng trên 50%, sau đó đến các công ty, tổ chức nước ngoài khoảng 17 - 34%, sinh viên làm việc trong các công ty Nhà nước đạt 12 - 18%, số còn lại là sinh viên tự tạo việc làm sau tốt nghiệp.
Thầy Tú cho biết, trong năm 2020 Khoa Đóng tàu nhận được văn bản nhu cầu tuyển dụng 47 kỹ sư từ các công ty đóng tàu có trụ sở tại miền Bắc. Trong đó có nhiều công ty nước ngoài như: Công ty Cổ phần Nosco Shipyard, Hiệp hội Đóng tàu Nhật Bản CAJS, Công ty IEMV Nhật Bản… Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành đóng tàu những năm gần đây cao hơn. Trung bình Khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nhận được nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 kỹ sư/năm.
Sinh viên Nguyễn Văn Thắng, năm thứ 3, Khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, chia sẻ, gia đình Thắng có người làm về ngành đóng tàu. Nên khi nắm được nhu cầu nhân lực của ngành rất lớn, Thắng đã quyết định theo học ngành này. Khi ra trường, Thắng muốn được làm với công ty nước ngoài để phát triển chuyên sâu ngành.
Là sinh viên năm cuối, em Ngô Thị Ngọc Bích - sinh viên ngành thiết kế tàu và công trình ngoài khơi, Khoa Đóng tàu mong muốn sẽ có một công việc với mức lương ưu đãi cho những kỹ sư mới ra trường. Cá nhân Bích muốn được làm việc với công ty của Nhật, Hàn để học hỏi và trau dồi kĩ năng nghề nghiệp. Em mong muốn được nhà trường giới thiệu về các công ty có tiềm năng phát triển, chính sách ưu đãi với người lao động để có cơ hội lựa chọn.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, nguyên nhân khiến sinh viên ngành đóng tàu bị sụt giảm do xu hướng xã hội, phụ huynh và học sinh đang hướng tới các ngành học kinh tế, các ngành công nghiệp, kĩ thuật; do khó khăn của ngành đóng tàu giai đoạn vừa qua; mức lương khởi điểm của kỹ sư mới tốt nghiệp ngành đóng tàu chưa hấp dẫn; chưa có chính sách hỗ trợ người học từ phía Nhà nước…
Là người có nhiều năm công tác trong ngành đóng tàu, GS Lê Viết Lượng - nguyên Chủ nhiệm Khoa Đóng tàu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - cho rằng, giải pháp để ngành đóng tàu thu hút người học, nâng cao chất lượng đầu vào, đầu ra là nhà trường và các doanh nghiệp cùng phối hợp tuyên truyền tới người học về những nhu cầu, chế độ với nhân lực ngành đóng tàu. Các doanh nghiệp đóng tàu cần tuyên truyền bằng chính sách ưu đãi cho sinh viên thực tập, tạo điều kiện cho sinh viên có lương, và định hướng tuyển dụng việc làm tại công ty. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm về chính sách, chế độ của các cơ quan chức năng đối với sự phát triển của ngành đóng tàu.
Còn theo ông Tô Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng): Để từng bước nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực ngành đóng tàu thì việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ là rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế tuyển dụng và sử dụng người lao động một cách hợp lí, khoa học, hiệu quả và có chế độ đãi ngộ nhân tài.